Thiết bị nhà thông minh: Đối tượng mới của tấn công mạng

Thứ bảy, 01/06/2024 14:37

Các thiết bị thông minh trong nhà nói riêng, các thiết bị IoT (internet vạn vật) nói chung làm cho cuộc sống trở nên tiện ích, thân thiện hơn. Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng các thiết bị IoT cũng dẫn đến những đe dọa an ninh mạng, khi tội phạm khai thác tính kết nối của thiết bị để phát tán các cuộc tấn công mạng.

Thiết bị nhà thông minh: Đối tượng mới của tấn công mạng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dễ dàng lắp đặt Hiện rất dễ dàng mua các thiết bị thông minh để “xây dựng” một căn phòng thông minh hay cả ngôi nhà thông minh. Phổ biến hiện nay là lắp đặt một căn phòng thông minh, trong đó nổi bật là hệ thống loa thông minh - thiết bị được điều khiển bằng giọng nói có thể thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, như phát nhạc, đặt báo thức, điều khiển các thiết bị nhà thông minh khác. Một số loa thông minh phổ biến bao gồm Amazon Echo, Google Home và Apple HomePod… có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Thiết bị cho căn phòng thông minh có thể được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh hoặc loa thông minh, và có thể tự động hóa nhiều tác vụ trong nhà như bật, tắt đèn, điều chỉnh nhiệt độ, khóa cửa. Một số thiết bị nhà thông minh phổ biến bao gồm cảm biến chuyển động thông minh Aqara, ổ cắm thông minh Xiaomi Mi Smart Plug và bóng đèn thông minh Philips Hue… có giá phải chăng và dễ dàng mua, lắp đặt.

“Việc lắp đặt một căn phòng thông minh chưa bao giờ thuận tiện như hiện nay. Tôi thiết kế căn phòng thông minh cho con trai, gồm loa thông minh, bật, tắt đèn ngủ - đèn học, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh… với tổng chi phí chưa đến 3 triệu đồng để tiện sinh hoạt”, anh Thành Nhân (nhà ở quận Bình Tân, TPHCM) cho biết. Thiết kế một căn nhà thông minh không khó, và hiện có rất nhiều dịch vụ cho mô hình này, trong đó có các doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp trọn gói như Rạng Đông, BKAV, Lumi, OnSky, Fibaro… Điển hình như Rạng Đông cung cấp nhiều giải pháp nhà thông minh khác nhau, từ đơn lẻ đến trọn gói; hay BKAV cung cấp giải pháp nhà thông minh Bkav SmartHome với nhiều tính năng tiên tiến như điều khiển bằng giọng nói, tự động hóa, an ninh… Giá lắp đặt nhà thông minh của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như diện tích căn nhà, số lượng thiết bị muốn lắp đặt, phạm vi lắp đặt…

Anh Quốc Sơn, nhân viên công nghệ của một công ty tại quận 7, TPHCM, cho hay, lắp đặt nhà thông minh cần nhất là xác định hệ thống điều khiển trung tâm, sau đó hoàn thiện từ tưới nước tự động, camera giám sát, đến các cảnh báo chống trộm… “Lưu ý khi tự lắp đặt phòng thông minh hay nhà thông minh là phải đảm bảo rằng các thiết bị chọn mua tương thích với nhau và với hệ thống, cần so sánh các tính năng của các thiết bị khác nhau và lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu. Nếu có điều kiện thì nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, có chế độ bảo hành tốt để tránh hư hỏng vặt”, anh Quốc Sơn chia sẻ.

Nguy cơ mất an toàn thông tin

Theo Chi hội An toàn thông tin (VNISA) phía Nam, hiện nay trên thế giới có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT và đến năm 2025 là khoảng 21 tỷ thiết bị. Các thiết bị IoT bao gồm rất nhiều thiết bị trong nhà thông minh. Riêng Việt Nam hiện có hơn 350.000 thiết bị IoT, hầu hết là các thiết bị camera, router và các thiết bị gia đình…, trong đó có trên 40% thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật gây mất an toàn thông tin (ATTT). Từ năm 2022 đến cuối năm 2023, số lượng thiết bị kết nối IoT đã tăng 18% và dự kiến sẽ tăng lên gần 30% vào năm 2027.

Theo các chuyên gia công nghệ, thiết bị kết nối hệ sinh thái IoT đã tăng trưởng, xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, được ứng dụng bao trùm trong nhiều lĩnh vực, kể cả nhà thông minh hay các thiết bị sinh hoạt hàng ngày, mang lại những ứng dụng tích cực cho đời sống; nhưng chưa được quan tâm đúng mức về ATTT, vô tình trở thành một thành phần tham gia vào mạng botnet do các tội phạm mạng điều khiển. Các thiết bị cho nhà thông minh thường thiếu tính bảo mật, đặc biệt là các thiết bị trôi nổi, hàng giả được bán công khai trên thị trường, các trang thương mại điện tử…, nên dễ bị tấn công mạng bằng các hình thức khác nhau.

Mục tiêu của hacker khi khai thác các thiết bị loT là truy cập trái phép vào thiết bị và dữ liệu của người dùng. Một hacker có thể sử dụng các thiết bị thông minh đã bị xâm nhập để xây dựng một mạng botnet, từ đó được sử dụng để khởi động một cuộc tấn công DDoS. Khi đó, các dữ liệu như vị trí, tài khoản email, thói quen sinh hoạt thông tin tài chính… và hình ảnh của người dùng đều nằm trên thiết bị thông minh hoặc thiết bị IoT là “nguồn tài nguyên” đối với tin tặc.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam NCS, với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu sử dụng các thiết bị IoT nói chung hay thiết bị nhà thông minh thì nguy cơ tấn công mạng luôn hiện hữu, do đó rất cần các biện pháp đảm bảo ATTT khi lắp đặt các thiết bị thông minh trong nhà. Đây là điều người dùng cần lưu ý, tránh tình trạng khi bị tấn công mạng rồi mới tính đến chuyện cài đặt các giải pháp ATTT cho thiết bị trong nhà.


Kim Thanh (https://www.sggp.org.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top