Ảnh minh họa
Năm doanh nghiệp bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPay, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Savis, Công ty cổ phần Công nghệ tin học EFY Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, giải pháp “Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam” là nền tảng “cầu nối” các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo… giúp chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.
Giải pháp Trục hợp đồng điện tử Việt Nam thuộc nhóm Giải pháp phát triển thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng, trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025”. Việc triển khai giải pháp này nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức về tính bảo mật thông tin và bảo đảm tính toàn vẹn của hợp đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.
Hệ thống trục này sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, là cầu nối các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo… từ đó tạo nền tảng để chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.
Để thực hiện tốt các hoạt động của mình, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực hợp đồng điện tử phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng thực hợp đồng điện tử, bảo đảm hoạt động đúng nội dung Đề án cung cấp dịch vụ được phê duyệt; tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Bên cạnh đó, các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử cần liên tục nghiên cứu, xây dựng các phương án công nghệ mở rộng phạm vi ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phát triển thị trường an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.