Đại diện Hội đồng thanh niên YIGF chia sẻ suy nghĩ và góc nhìn của thệ hệ Z về áp lực số hóa.
"Áp lực số hóa" trên vai những người trẻ
Đại dịch COVID-19 diễn ra trong 2 năm vừa qua đã khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi rất nhiều như việc phải dần quen với cụm từ "bình thường mới" với những quy định về giãn cách xã hội, là khi việc gặp mặt và trao đổi trực tiếp khó hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, giao tiếp trực tuyến dần phổ biến và đặt ra những yêu cầu về thích ứng với chuyển đổi số (CĐS) trong công việc và học tập dành cho giới trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc phải đối mặt với áp lực "cần thay đổi" này cũng đã tạo ra những "áp lực số hóa" lên trên vai những người trẻ.
Trong talkshow "Áp lực số hóa - Thích nghi với bình thường mới" được tổ chức mới đây, nhóm bạn trẻ Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet (Youth Internet Governance Forum - YIGF) Việt Nam đã có những chia sẻ về áp lực số hóa từ những câu chuyện đời thường rất quen thuộc như việc tắt/mở mic như thế nào, tham gia các ứng dụng học trực tuyến ra sao hay việc ứng dụng các nền tảng trao đổi công việc như thế nào để hiệu quả hơn nữa.
Không chỉ là những câu chuyện cá nhân, các bạn trẻ cũng chia sẻ về những khoảng cách số giữa các thế hệ, việc đôi khi các thầy cô giáo lại không thông thạo công cụ bằng học sinh, hay trường hợp như một bạn sinh viên học ngành CNTT được cả xóm nhờ sửa máy tính và cài Win.
"Làm việc trực tuyến không có gì gây khó khăn, nhưng việc những người làm cùng không thông thạo các công cụ mới là điều khiến em thấy khó làm việc", Nguyễn Ngọc Hiếu, thành viên Ban truyền thông Hội đồng thanh niên YIGF chia sẻ.
Từ thực tế này đã đặt ra những yêu cầu cần phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong lực lượng thanh niên về các kiến thức công nghệ, kỹ năng số cần thiết nhằm đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ số phát triển.
Xây dựng không gian mạng an toàn
Cũng trong buổi talkshow "Áp lực số hóa - Thích nghi với bình thường mới", đại diện Hội đồng thanh niên YIGF đã có những chia sẻ về việc các bạn thực hiện CĐS thành công trong các chiến dịch truyền thông của mình như thế nào.
Thực hiện sứ mệnh xây dựng một không gian mạng văn minh và an toàn, nhóm các bạn trẻ dành rất nhiều thời gian và tâm huyết chuẩn bị chuỗi bài đăng truyền thông về kỹ năng công dân số cho các bạn thanh, thiếu niên, sử dụng kênh fanapge Chống Hack (Trang hiện có 194.000 lượt theo dõi).
Để các thông điệp về an toàn số và ứng xử văn minh trên mạng có thể tiếp cận tới nhiều bạn trẻ, nhóm YIGF Việt Nam đã thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ.
Cuối năm 2020, dưới sự tài trợ của Quỹ SecDev Foundation và hướng dẫn, tư vấn chiến lược của Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet, các bạn trẻ đã khởi động chiến dịch có tên "Click Clever" và xây dựng một game mobile (ứng dụng trò chơi trên điện thoại di động) với nội dung về an toàn số. Ứng dụng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ với 1.000 lượt tải về và chơi thử sau 2 tháng. Để lan tỏa chiến dịch, nhóm các bạn trẻ còn xây dựng một điệu nhảy về an toàn số và tạo thành thử thách trên kênh mạng xã hội TikTok.
Không dừng lại ở đó, năm 2021, Hội đồng thanh niên YIGF cũng đã phát động chiến dịch "Đề kháng trên mạng xã hội" bằng cách tổ chức cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện về chủ đề Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chiến dịch đã nhận được 100 bài dự thi hợp lệ và hơn 2 triệu lượt tương tác trên kênh Facebook.
Bí kíp thành công của nhóm là dựa vào việc thay đổi hướng tiếp cận, không chỉ sử dụng những kênh hình ảnh, video như truyền thống mà thử thách mình với những yêu cầu sản phẩm số có tính sáng tạo cao.
Đặc biệt, Hội đồng thanh niên YIGF cũng lên kế hoạch tổ chức Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet Việt Nam 2021 vào tháng 11 tới, dự kiến quy mô với hơn 100 đại biểu thanh niên và chuyên gia tham gia trình bày và thảo luận, không giới hạn số người tham gia. Người tham gia sẽ mua vé tham dự sự kiện bằng cách ủng hộ trực tiếp tới "Quỹ Sóng và Máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ kêu gọi.
Chia sẻ về Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet, Ngô Minh Anh, Trưởng ban Điều hành YIGF Việt Nam cho biết: "Đây là sáng kiến của một tổ chức có tên NetMission được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010, song song với Diễn đàn Quản trị Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APrIGF). Diễn đàn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của giới trẻ về quản trị Internet và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia tích cực hơn vào quá trình thảo luận và ra quyết định về chính sách Internet".
Theo Ngô Minh Anh, YIGF lấy cảm hứng từ Diễn đàn Quản trị Internet (IGF) - một diễn đàn đa bên tham gia đối thoại chính sách về các vấn đề quản trị Internet. Bởi vậy, hướng tiếp cận của YIGF cũng giống như IGF – tiếp cận nhiều bên liên quan. Những đại biểu thanh niên tham gia diễn đàn sẽ được phân công vai trò đại diện cho các nhóm khác nhau: chính phủ, khu vực tư nhân và tổ chức phi chính phủ, nói lên ý kiến của họ về vấn đề quản trị Internet dưới những góc nhìn khác nhau.
Năm 2019, Dự án Diễn đàn Thanh niên Quản trị Internet được khởi động tại Việt Nam bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet dưới sự tài trợ của Quỹ SecDev Foundation. Dự án hướng tới xây dựng một nhóm thanh niên nòng cốt hoạt động tích cực và chủ động nhằm xây dựng một không gian mạng văn minh và an toàn. Chính vì vậy, dự án đã tuyển chọn các bạn trẻ có chung niềm quan tâm tới các hoạt động xã hội và chủ đề Internet và thành lập Hội đồng thanh niên YIGF.
Sau 2 năm chuẩn bị, Hội đồng thanh niên YIGF đã tới gần hơn với giấc mơ của mình, tổ chức thành công một sân chơi dành cho các bạn trẻ có thể nói lên tiếng nói của mình về các chủ đề liên quan tới Internet, hướng tới xây dựng một không gian mạng an toàn với những ứng xử văn minh của thế hệ công dân số mới./.