Những thau nước ngọt dùng để rửa tay trở thành hình ảnh quen thuộc trên các đảo ở Trường Sa.
Ai được đến thăm các đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 chắc hẳn rất ngạc nhiên khi thấy những chậu rau xanh mướt, cạnh đó là gà, vịt, heo thả rông. Nhờ chắt chiu từng giọt nước ngọt mà các anh tạo ra không gian xanh, sức sống mới nơi biển đảo với thời tiết khắc nghiệt.
Chỉ khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa - các "pháo đài thép" trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, bạn mới thấy nước ngọt quý đến dường nào. Cũng vì thế mà chúng tôi không nỡ sử dụng những thau nước ấy, bởi các anh phải tiết kiệm từng giọt để đem lại màu xanh cho đảo, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Thấy chúng tôi lưỡng lự, một chiến sĩ trẻ tươi cười: "Có gì đâu các bác, xin đừng bận tâm. Đây là tấm lòng của đồng đội chúng cháu trên đảo đáp lại ân tình đất liền, với bà con người Việt của mình ở khắp bốn phương trời". Chiến sĩ trẻ này còn bảo: "Các bác cứ yên tâm, chúng cháu vẫn sống khỏe, lạc quan lắm, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta".
Quả thật, có trực tiếp đến Trường Sa mới thấy các cán bộ, chiến sĩ khó khăn, vất vả thế nào. Ở đây, các anh luôn nêu cao ý thức tiết kiệm nước ngọt. Ngoài việc được tiếp tế từ đất liền, các các bộ, chiến sĩ phải hứng nước mưa để dự trữ sử dụng cho mùa khô. Hình ảnh các anh xuống biển tắm, trở về trại, ngồi bệt trong thau nước tắm lại để... không bỏ sót giọt nước nào, trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc hằng ngày. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Tác giả (hàng đầu, thứ 4 từ phải qua) cùng nhiều bạn trẻ bên lá cờ Tổ quốc được ký tên kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Thau nước ngọt mà các cán bộ, chiến sĩ chắt chiu cũng là thông điệp nhắc nhở chúng ta: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải gìn giữ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh ấy làm chúng tôi không thể nào quên sự hy sinh của 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma tháng 3-1988. Máu thịt các anh hòa vào biển Đông, muôn đời sau tô thắm lòng yêu nước của người dân Việt Nam…
Trở về Pháp từ chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm ấy, chúng tôi suy nghĩ mãi, làm thế nào để góp sức giải quyết nước ngọt cho các đảo để cán bộ, chiến sĩ và người dân có đời sống tốt hơn. Sau đó, chúng tôi đề xướng, giao Ban Trách nhiệm - Hội Người Việt Nam tại Pháp phối hợp với Hội Công nhân Lao động Việt Nam tại Pháp tổ chức chương trình "Bữa cơm tình nghĩa Trường Sa" để gây quỹ cho dự án "Tình nghĩa Trường Sa". "Bữa cơm tình nghĩa Trường Sa" được duy trì thường xuyên để kiều bào có dịp hội tụ, đóng góp cho dự án, thông qua việc mua máy lọc nước biển, bồn chứa nước di động, nhà trồng rau...
Dự án này sau đó được bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nhân dịp sang châu Âu để vận động thành lập Câu lạc bộ "Vì Trường Sa - Trường Sa thân yêu" đề nghị cụ thể hóa bằng dự án "Máy lọc nước biển thành nước ngọt, nhà kính trồng rau xanh trên đảo và bể mềm chứa nước ngọt cho nhà giàn DK1". Việc kêu gọi hỗ trợ dự án được kiều bào Pháp tích cực hưởng ứng, tham gia.
Năm 2016, khi chúng tôi có chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, cũng là năm Tòa Trọng tài quốc tế ban hành phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò". Các hoạt động về nguồn, gây quỹ đóng góp cho Hoàng Sa, Trường Sa lan tỏa mạnh trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Các hội thảo, triển lãm hình ảnh về Trường Sa và đất nước, con người Việt Nam được chúng tôi tổ chức thường xuyên. Rất đông kiều bào, du học sinh Việt Nam tại Pháp đã ký tên lên lá cờ đỏ sao vàng, gửi gắm tình cảm của mình dành cho biển đảo quê hương qua thông điệp: Tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Cùng với những chính sách đầu tư của nhà nước, kiều bào Việt Nam ở Pháp nói riêng và trên khắp thế giới nói chung bằng nhiều cách luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Để từ đó, không chỉ giải quyết khó khăn về nước ngọt mà cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo được chăm lo tốt hơn.