Thanh tra ngành TT&TT cần chú trọng chuyển đổi số trong công tác thanh tra

Thứ năm, 31/12/2020 18:28

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra ngành TT&TT diễn ra chiều ngày 31/12/2020, tại Hà Nội.

20201231-l001.jpg

 Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo, năm 2020, Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng, định hướng của Thanh tra Chính phủ, rà soát đối chiếu kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước để xây dựng Kế hoạch thanh tra sát với tình hình thực tiễn, tránh chồng chéo; chỉ đạo, đôn đốc các Sở TT&TT căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao; bám sát định hướng của Bộ TT&TT, UBND và Thanh tra cấp tỉnh để chủ động xây dựng và phê duyệt chương trình kế hoạch thanh tra năm 2020, chủ động phối hợp công tác giữa Thanh tra Bộ với các Sở, giữa các tỉnh, thành, các sở, ban, ngành tại địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cũng trong năm 2020, Thanh tra toàn ngành TT&TT đã triển khai tổng cộng hơn 400 cuộc thanh tra tại 2.400 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đại lý hoạt động trong các lĩnh vực Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin; Tần số Vô tuyến điện; Báo chí; Xuất bản, Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 660 tổ chức, cá nhân; đồng thời phạt bổ sung và tịch thu, tiêu hủy nhiều xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện rõ nguồn gốc, SIM điện thoại di động.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Do thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện nên trong năm 2020 tình hình KNTC tại Bộ TT&TT không có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Công tác tiếp công dân tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được duy trì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Quy chế tiếp công dân của Chính phủ. Năm 2020, Bộ TT&TT đã tiếp 30 lượt công dân (29 vụ việc) trong đó, nội dung chủ yếu được tiếp nhận qua công tác tiếp công dân là: Phản ánh về một số dịch vụ viễn thông; Phản ánh, khiếu nại về dịch vụ bưu chính (chuyển phát bưu phẩm); Phản ánh một số tạp chí, tờ báo đưa tin bài không đúng sự thật. Đồng thời, lực lượng thanh tra đã tiến hành tiếp 171 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tổng số đơn nhận được là 1.312 đơn, trong đó có 1.119 đơn đủ điều kiện xử lý (bao gồm: 177 đơn tố cáo; 133 đơn khiếu nại; 809 đơn kiến nghị, phản ánh)...

Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện đạt được kết quả tốt, tạo chuyển biến tích cực góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển ngành TT&TT.

20201231-l002.jpg

 Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng lực lượng thanh tra chuyên ngành TT&TT

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, thanh tra ngành TT&TT gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông không theo kịp tốc độ phát triển của ngành dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý; Thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành còn ở mức thấp; Trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm hành chính một số cá nhân, tổ chức mặc dù ký biên bản vi phạm hành chính, công nhận sai phạm của cá nhân, tổ chức mình nhưng lại chây ỳ không chịu nộp phạt; Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra tại các Sở còn phụ thuộc nhiều vào việc phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, điều này làm mất đi tính chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với công tác thanh tra của ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong năm 2020 của lực lượng thanh tra ngành TT&TT.

Thứ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ và thanh tra ngành TT&TT nói chung trong thời gian tới cần chủ động thúc đẩy việc chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra; chủ động trong công tác thanh tra, tập trung vào công tác kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh những vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT; sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy chế, quy định về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra để triển khai có hiệu quả cao trong thời gian tới; tập trung kiểm tra vấn đề hàng lậu, hàng giả, hàng cấm trên mạng lưới bưu chính; thanh kiểm tra tin nhắn rắc, sim rác và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực viễn thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích hoạt động của các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật; chủ động thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xuất bản, in, phát hành, nhất là việc in lậu, sách lậu; tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa Thanh tra Bộ và lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị với Ban chỉ đạo liên ngành về công tác thanh tra; chủ động thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đấu tranh với các mạng xã hội xuyên biên giới khi tới làm ăn tại Việt Nam phải tuân phủ pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cần chủ động sắp xếp, luân chuyển cán bộ làm công tác thanh tra theo quy định; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra; tăng cường phối hợp giữa Thanh tra Bộ TT&TT với Thanh tra các Bộ/ngành và giữa các đơn vị có chức năng thanh tra… Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn lưu ý, cán bộ làm công tác thanh tra cần không ngừng rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ với lương tâm trong sáng; đoàn kết, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, cách làm nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới./.

PV
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top