Thanh toán điện tử Ấn Độ dự kiến đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2026

Thứ sáu, 25/11/2022 15:34

Thị trường thanh toán điện tử của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng hơn gấp 3 lần lên 10 nghìn tỷ USD vào năm 2026 từ mức 3 nghìn tỷ USD hiện tại.

 Theo nghiên cứu "Thanh toán số ở Ấn Độ: Cơ hội 10 nghìn tỷ USD" của công ty thanh toán số hàng đầu Ấn Độ Phonepe Pulse và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm gần 65% tổng số các khoản thanh toán vào năm 2026, tăng từ 40% hiện nay và gần 75% người dân sẽ sử dụng giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) trong năm 5 tới, tăng từ 35% hiện tại.

Các giao dịch của người bán trong lĩnh vực thanh toán điện tử cũng sẽ tăng gấp 7 lần lên 2,5 - 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2026 từ mức 0,3-0,4 nghìn tỷ USD hiện nay.

Báo cáo cho biết, thị trường thanh toán số của Ấn Độ đã chứng kiến sự tăng trưởng phi thường trong 5 năm qua. Hệ sinh thái này đã có những bứt phá tích cực bởi sự gia nhập của nhiều người chơi mới với các dịch vụ đa dạng thúc đẩy thanh toán trên quy mô lớn.

Các công ty fintech hàng đầu trên toàn cầu và Ấn Độ là động lực chính thúc đẩy việc áp dụng UPI ở Ấn Độ đối với người dùng cuối, được hỗ trợ bởi việc xây dựng mạng lưới chấp nhận người bán dựa trên mã QR lớn và giao diện thân thiện với người dùng, các dịch vụ sáng tạo và hệ sinh thái API mở.

Theo nghiên cứu, UPI đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt ở Ấn Độ, đặc biệt là trong chuyển khoản giữa người với người (P2P) và thanh toán nhỏ lẻ tại các cửa hàng (P2M).

"UPI đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt ở Ấn Độ. Sự tăng trưởng của khối lượng giao dịch UPI cho thấy các khoản thanh toán điện tử đã thực sự nhận được sự chấp nhận phổ biến và rộng rãi trên toàn quốc", Karthik Raghupati, Trưởng phòng Chiến lược và Quan hệ Nhà đầu tư PhonePe cho biết.

20221212-pg16.jpg

Trong khi các thành phố cấp 1-2 đã chứng kiến mức độ chấp nhận thanh toán điện tử cao, sự thâm nhập ở các thành phố cấp 3-6 cho thấy vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Làn sóng tăng trưởng tiếp theo sẽ đến từ các địa điểm cấp 3-6, bằng chứng là trong 2 năm qua, các thành phố cấp 3-6 đã đóng góp gần 60-70% khách hàng mới cho PhonePe.

Báo cáo cũng cho biết, mã QR đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng các dịch vụ thanh toán điện tử ở Ấn Độ. Hiện tại, thanh toán bằng mã QR được hơn 30 triệu người bán trong nước chấp nhận, tăng đáng kể so với 2,5 triệu người bán cách đây 5 năm.

Khi việc áp dụng mã QR ngày càng tăng, tổng khối lượng giao dịch P2M trên UPI đã tăng từ 12% vào năm 2018 lên 45% vào năm 2021, dự kiến sẽ còn tăng trưởng hơn nữa.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường này, Prateek Roongta, Giám đốc Điều hành và Đối tác của BCG cho biết, Ấn Độ sẽ ngày càng có nhiều các giao dịch thanh toán điện tử được nhúng vào tất cả các hình thức thương mại trong thời gian tới.

"Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự phát triển từ thanh toán nhúng sang tài chính nhúng. Khi ngày càng nhiều người bán bắt đầu chấp nhận thanh toán điện tử sẽ mở ra sự thay đổi đáng kể trong khả năng tiếp cận tín dụng đối với những người kinh doanh nhỏ lẻ", Roongta nhận định.

Ấn Độ tham vọng trở thành một nền kinh tế thanh toán điện tử. Thanh toán cho người bán sẽ trở thành động lực mạnh mẽ nhất cho sự tăng trưởng này, đặc biệt là trong phân khúc ngoại tuyến, do việc triển khai ứng dụng mã QR ngày càng tăng.

"Chúng tôi hy vọng rằng các khoản thanh toán của người bán sẽ sớm vượt qua các giao dịch bằng hình thức chuyển khoản ngang hàng", Roongta nói thêm.

Theo báo cáo, một số yếu tố đòn bẩy khác như việc tiếp cận khách hàng được đơn giản hóa, tiếp tục thúc đẩy nhận thức của người tiêu dùng, mở rộng sự chấp nhận của người bán, người bán được tiếp cận nhiều hơn với tín dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết lập thị trường dịch vụ tài chính thúc đẩy tăng trưởng ở các khu vực kém hiệu quả đã dẫn đến sự phổ biến và chấp nhận các giao dịch điện tử ngày càng tăng ở Ấn Độ./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top