Ảnh minh họa
Tạo nền móng chuyển đổi số
Thành phố là đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông có chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến nhất so với các địa phương trong tỉnh. Chính quyền thành phố đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành, quản lý của thành phố bao gồm: cổng thông tin điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số điện tử...
Thành phố đã trang bị 16 điểm cầu họp trực tuyến đảm bảo đáp ứng kết nối liên thông các cuộc họp từ cấp thành phố đến cấp tỉnh, cấp Trung ương. Năng lực mạng cáp quang thuê bao đã mở rộng đến tất cả các xã, phường; đường truyền số liệu có băng rộng 3G, 4G phủ sóng hầu hết các khu vực của thành phố. Đến cuối năm 2022, thành phố sẽ triển khai xây dựng và cung ứng dịch vụ 5G miễn phí tại một số khu vực ở trung tâm thành phố...
Đồng chí Đỗ Đình Đạt, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, trong quá trình quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư mới trên địa bàn, thành phố đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ngầm hóa các đường điện, cáp thông tin... Đối với các công trình nâng cấp, cải tạo tùy điều kiện từng khu vực thành phố nâng cấp, cải tạo theo định hướng sẽ ngầm hóa. Cụ thể, vừa qua Điện lực thành phố đã cải tạo và ngầm hóa toàn bộ hệ thống đường điện cao thế cho khu vực phường An Tường. Ngành Viễn thông cũng đang thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các bể cáp và hệ thống rãnh cáp để ngầm hóa cáp thông tin, dần dần thay thế đường cáp thông tin trên các trục đường...
Hiện thành phố đã hoàn thành việc cài đặt hệ thống camera giám sát tập trung đối với toàn bộ hệ thống máy cơ sở dữ liệu dân cư của Công an thành phố và Công an các xã, phường. Theo Công an thành phố, từ nguồn xã hội hóa đầu tư, hiện thành phố có 12/15 xã, phường đã triển khai thực hiện lắp đặt camera an ninh, với 436 mắt camera được lắp đặt tại các điểm ngã 3, ngã 4, khu vực chợ, nơi đông dân cư... Nhờ đó góp phần xử lý và giải quyết hàng trăm các vụ việc vi phạm về trật tự đô thị, cải thiện ý thức tham gia giao thông của người dân.
Đồng chí Tô Hoàng Linh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố cho biết, thành phố thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, điểm nổi bật và khác trong chuyển đổi số của thành phố, đó là thành phố đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến là trên 156 tỷ đồng.
Khi được tỉnh phê duyệt, thành phố sẽ triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình từng giai đoạn. Trong đó, đến 2025 ưu tiên các lĩnh vực gồm: đô thị thông minh; quản lý điều hành; công dân thông minh; đời sống xã hội; giao thông thông minh; kinh tế thông minh. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho đô thị thông minh và xây dựng 1 trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của thành phố (IOC).
Công nghệ số hiện diện nhiều trong đời sống
Thực hiện chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, UBND các xã, phường đã thực hiện thu phí, lệ phí trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. 100% các doanh nghiệp có kết nối Internet và thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử phục vụ cho công việc. Một số doanh nghiệp đã có website riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh và tham gia sản thương mại điện tử; nhiều doanh nghiệp đã có hoạt động giao dịch mua bán hàng qua mạng.
100% tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% các trường học, bệnh viện và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi triển khai sử dụng quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện thành phố có 8 sản phẩm OCOP được quảng bá trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn gồm: mật ong hoa rừng, hồng mọng Tràng Đà, cá lăng, bưởi đào Thái Long, bưởi Lưỡng Vượng, mỳ khô Thuật Yến, thực phẩm chức năng bổ gan Tuệ Tâm, dầu sa chi Quỳnh Chi...
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng số để xây dựng xã hội học tập. Đồng chí Trần Hồng Lương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hiện nay, các trường học trên địa bàn đều được trang bị thiết bị công nghệ thông tin có kết nối internet và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và dạy học trên nền tảng số. 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã triển khai và sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử. Các giáo viên thực hiện xây dựng bài giảng điện tử E-learning. Các trường đã triển khai hệ thống học và thi trực tuyến... 16/16 trường THCS, 3 trường tiểu học có phòng học thông minh (trong đó có màn hình tương tác thông minh) và 4 trường tiểu học, THCS có phòng học trực tuyến.
Hiện nay, tại các xã, phường, các tổ công nghệ số cấp xã, cấp thôn đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng định danh điện tử VnelD, đăng ký tài khoản để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính và nhiều tiện ích khác như: đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng; đăng ký khai sinh, khai tử...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân thành phố Tuyên Quang đang từng bước bắt kịp với xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0, nỗ lực chuyển đổi số để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh trong tương lai gần.