Theo Kế hoạch tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra thành phố Huế do đồng chí Hoàng Mạnh Cường – Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố Huế trình bày, từ ngày 01/3/2021 đến hết tháng 5/2021 triển khai thu thập thông tin tổng điều tra đối với khối doanh nghiệp, hành chính, sự nghiệp, hiệp hội. Từ ngày 01/7/2021 đến trước ngày 31/7/2021 thực hiện tổng điều tra đối với khối cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng. Việc kiểm tra, giám sát, các hoạt động tổng điều tra từ tháng 3 – tháng 8/2021. Về nghiệm thu kết quả điều tra các cấp, Ban chỉ đạo cấp tỉnh nghiệm thu các loại phiếu điều tra với khối doanh nghiệp, sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 01/6/2021 – 15/6/2021. Với khối cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng, Ban chỉ đạo cấp phường nghiệm thu từ ngày 15/08/2021 – 30/08/2021, Ban chỉ đạo cấp thành phố nghiệm thu từ ngày 01/9/2021 đến 15/9/2021.
Về kế hoạch tuyên truyền của Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 thành phố Huế được triển khai theo 2 đợt. Đợt 1 từ tháng 2 – tháng 5/2021, tuyên truyền về điều tra doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở hành chính. Đợt 2 từ tháng 6 – tháng 7/2021, tuyên truyền về điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện thông qua hình thức thu thập thông tin qua phiếu trực tuyến sử dụng internet (Web-form) và phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động và máy tính bảng bằng phần mềm điều tra CAPI. Sau đó toàn bộ dữ liệu điều tra từ phiếu Web-form, phiếu CAPI và dữ liệu điều tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung Tổng điều tra và được xử lý để tổng hợp kết quả điều tra. Dự kiến kết quả sơ bộ Tổng điều tra toàn quốc sẽ công bố vào tháng 12/2021 và kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Song - UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra thành phố Huế nhấn mạnh: Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là cuộc Tổng điều tra quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, đơn vị điều tra, nội dung phức tạp, chuyên sâu. Đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo thành phố, các phường, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu đầy đủ các nội dung và quán triệt triển khai có hiệu quả tại đơn vị, địa bàn phụ trách; tăng cường thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra để các tổ chức, cá nhân liên quan nhận thức đúng và có trách nhiệm thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khai báo cung cấp thông tin theo quy định.
Trước đó, thành phố Huế cũng triển khai nội dung, các nhóm thông tin cần điều tra, thu thập theo loại phiếu điều tra, đối tượng điều tra. Để công tác điều tra đảm bảo theo yêu cầu đề ra, thành phố Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng điều tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; hướng dẫn các phường thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp phường, lập danh sách điều tra viên, triển khai kế hoạch, phương án thực hiện tổng điều tra trên địa bàn thành phố, đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được tiến hành trên quy mô toàn quốc, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và địa phương. Cuộc Tổng điều tra năm 2021 có một số điểm mới, gồm: Bổ sung thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; cải tiến cơ bản phiếu điều tra; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; điều tra đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp; xây dựng bài giảng điện tử. Mục đích của cuộc Tổng điều tra nhằm tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu GDP, GRDP năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia. Đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. |