Ảnh minh họa
Đúng một tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP.HCM đã công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM. Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Chương trình chuyển đổi số.
Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM.
Chương trình đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Tại hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “TPHCM luôn ý thức rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tác động toàn diện đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ. Do đó, đặt ra yêu cầu thành phố phải nỗ lực nhiều hơn đưa Chương trình chuyển đổi số trở thành một nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép”.
Hưởng ứng Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, cuối tháng 9/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã công bố Chương trình chuyển đổi số, nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số với chi phí phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, Hội Tin học TP.HCM sẽ dành khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số trong năm đầu; tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
TP.HCM có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công nghệ, nên trước khi có Chương trình chuyển đổi số của thành phố thì bản thân các doanh nghiệp này đã tự tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Lý do là vì đây là những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, luôn luôn thay đổi công nghệ, nên phải tiếp nhận chuyển đổi số từ các nhà cung cấp, từ phía khách hàng. Vì thế, khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia ban hành và TP.HCM triển khai Chương trình chuyển đổi số của thành phố, thì các doanh nghiệp đã hội nhập rất nhanh và sẵn sàng tham gia chuyển đổi số. Bởi vì chuyển đổi số sẽ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục giấy tờ vì mọi hồ sơ thủ tục đều làm trên mạng nên nhanh chóng, tiện lợi, rõ ràng.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Trần Việt Anh cho rằng: “Do phần lớn các doanh nghiệp ở TPHCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên, chính quyền thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, đào tạo và đặc biệt là hỗ trợ về tài chính để chuyển đổi số đúng, kịp, chính xác, tránh lãng phí”.
Về phía doanh nghiệp, cần phải tìm hiểu kỹ hơn về chuyển đổi số để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình. Vì thế, chính quyền TP.HCM cần tổ chức những buổi hội thảo để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn cần phải làm gì khi chuyển đổi số. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số, chính quyền TP.HCM cần hướng dẫn cho các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số sao cho hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất; cũng như giới thiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa các gói hỗ trợ uy tín, các đối tác về ứng dụng chuyển đổi số.
Đến cuối năm 2020, TP.HCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.
UBND TP.HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2021 là: Phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố; tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.