Hiện nay tỷ lệ thanh niên hút thuốc lá ngày càng sớm và phổ biến.
Hút vì buồn…
Lấy sen cũng không phải là việc chính của Duyên. Cậu và những người bạn của mình xuống Hà Nội làm nghề bốc vác. Công việc phần lớn làm ban đêm và điếu thuốc như một “trợ lực” giúp họ tỉnh táo cho công việc.
Mấy hôm nay ít việc, Duyên cùng các bạn được điều động từ Cầu Giấy sang Long Biên (Hà Nội) để hái sen. Mỗi thuyền sen lấy lên được chủ đầm trả cho từ 100 – 200 nghìn đồng, tùy thuyền đầy hay vơi. Chỉ tiêu đặt ra là 6 thuyền sen vào buổi sáng và 6 thuyền sen vào buổi chiều, nhưng do nắng gắt mùa hè, hầu như chỉ tiêu mỗi ngày đều không đạt.
Buồn hút, vui hút, rảnh rỗi cũng hút. Thuốc lá hết thì chuyển sang thuốc lào. Hút thuốc đã trở thành một thói quen của Duyên và những người bạn. “Em hút thuốc từ năm 13 tuổi, khi ấy mới xuống Hà Nội làm thuê. Ban đầu buồn nên tập hút, hút nhiều rồi nghiện”, Duyên kể lại chuyện vì sao mình biết hút thuốc. Thân hình mệt mỏi do thức đêm của Duyên khi ai nhìn thấy cũng ái ngại.
Chuyện của Duyên không mới. Rất nhiều bạn trẻ khác hiện nay hút thuốc lá cũng chỉ vì… “buồn mồm”. Họ hút vì thấy ai cũng hút, hoặc hút để tỉnh táo… thức đêm. Nhìn qua các quán nước đầu ngõ hẻm, các công trường xây dựng với các công nhân nam làm việc 3 ca, các ngã tư nơi xe ôm tập kết…, dễ thấy nhiều người cứ rảnh tay lại lôi điếu thuốc ra để châm. Không chỉ thuốc lá, thuốc lào cũng được nhiều bạn trẻ tìm đến như muốn tìm cho mình một chút thuốc “an thần”.
Đồng Văn Tranh (18 tuổi, Thanh Hóa) – lao động tự do, hiện đang làm việc tại Vinhomes Ocean Park (Vin Gia Lâm) chia sẻ: Ở quê không có việc và không có thu nhập, Tranh theo các chú lớn tuổi ra Hà Nội làm phụ hồ, rồi thợ lát nền, lát sàn gỗ, làm sơn bả, lau kính. Việc gì cũng làm, cứ có việc là đi. Có ngày cả buổi chẳng có việc, nhưng tối đến được gọi đi lát sàn gỗ là phải đi ngay.
Ăn ngủ thất thường, và điếu thuốc đã trở thành người bạn mỗi khi Tranh rỗi việc.
Tranh kể, mỗi khi ngồi quán nước đợi việc, chờ giờ để vào công trường hay chờ chủ thầu đón đi làm là anh em thợ lại ngồi quây quần, mang điện thoại ra lướt, mang thuốc lá ra đốt. Khói thuốc khiến cậu ho sặc sụa những ngày mới đi làm, dần dà đã trở nên “thân quen”. Từ hút thuốc thụ động rồi tìm đến điếu thuốc như một người bạn, Tranh và những người làm việc tự do như cậu dù biết thuốc lá vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe nhưng lâu dần cũng chẳng biết bỏ thuốc thế nào.
Nguy cơ mắc nhiều bệnh tật
Theo BS. Đỗ Long, Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), những người hút thuốc lá sớm dễ có nguy cơ mắc các bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu như đau tim, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn và ung thư phổi.
Nhìn vào tỷ lệ thanh niên hút thuốc lá ngày càng sớm hiện nay, chúng ta nên lo ngại cho họ, bởi khói thuốc lá không chỉ có hại cho bản thân người hút mà còn gây hại cho những người xung quanh. Hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc lá của người hút) có thể gây ra các bệnh lý tương tự cả ở những người không hút thuốc.
“Mọi người hãy bỏ thuốc lá ngay từ hôm nay để có một cơ thể khỏe mạnh, không còn tích luỹ chất độc, loại trừ các nguyên nhân và điều kiện gây bệnh. Với các bạn trẻ, điện thoại trên tay họ hàng ngày. Họ không chỉ lướt Facebook, đọc tin tức hàng ngày mà cũng rất quan tâm tới bệnh tật. Do vậy, truyền thông cần tuyên truyền mạnh để họ thấy tác hại mà bỏ thuốc, thay vì để họ cứ “tặc lưỡi” làm quen rồi nghiện thuốc lá như hiện nay”, BS. Đỗ Long nhắn nhủ.
Box: Nhìn qua các quán nước đầu ngõ hẻm, các công trường xây dựng với các công nhân nam làm việc 3 ca, các ngã tư nơi xe ôm tập kết…, dễ thấy nhiều người cứ rảnh tay lại lôi điếu thuốc ra để châm.
|