Nhóm công tác chuyên trách ASEAN về tin giả (TFFN) là sáng kiến của Việt Nam nhằm thiết lập cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực.
Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT Việt Nam nhận định: Mạng xã hội đã thực sự thay đổi cách mọi người giao tiếp, làm việc trong cuộc sống hàng ngày. Đa số người dân hiện đang dành phần lớn thời gian trên mạng xã hội. Khi đại dịch COVID-19 lây lan khắp toàn cầu, nhiều người phải thực hiện cách ly, nghĩa là toàn bộ cuộc sống hàng ngày và công việc chuyển lên môi trường mạng, mạng xã hội lại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chính là môi trường thuận lợi cho tin giả lan tràn với tốc độ chưa từng thấy.
Từ năm 2017, ASEAN đã bắt đầu thảo luận về các phương thức đối phó với tin giả nhằm giảm thiểu tác động của loại tin này. Hiện nay, tin giả đã trở thành một trong những ưu tiên lớn nhất của lĩnh vực Thông tin trong ASEAN. Một số kết quả nổi bật đạt được: Đã xây dựng Khuôn khổ và các tuyên bố chung được thông qua tại AMRI (Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN) lần thứ 14 (2018) nhằm giảm thiểu tác hại của tin giả; Các giá trị cốt lõi về Kiến thức số (digital literacy) của ASEAN được AMRI 14 thông qua năm 2018; Khuôn khổ phát triển Sẵn sàng số cho công dân ASEAN được AMRI 15 thông qua năm 2021, đại diện Bộ TT&TT Việt Nam chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tại cuộc họp lần thứ 1 của TFFN, đại diện các nước ASEAN đã trao đổi về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả của quốc gia mình, rà soát các kết quả ASEAN đã thực hiện được về vấn đề xử lý tin giả từ đó đề xuất cách thức thực hiện hiệu quả hơn.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Bộ TT&TT Việt Nam đã chủ trì xây dựng khung kế hoạch triển khai TFFN để các nước đóng góp ý kiến và tham gia xây dựng nội dung thực hiện. Các trọng tâm của TFFN cụ thể như sau: Xây dựng Quy trình hướng dẫn phối hợp xử lý tin giả giữa các nước ASEAN; Nghiên cứu và tổ chức phát triển hoạt động Kiểm chứng thông tin (Fact Checking) trong ASEAN; Trao đổi, xây dựng khái niệm/cách hiểu chung về các thuật ngữ trực tuyến nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách, và pháp luật; Phát triển các Best practices về xử lý các sai phạm trực tuyến (về chính sách - pháp luật; hỗ trợ kỹ thuật; chiến lược nâng cao nhận thức; cách thức cung cấp thông tin và truyền thông cộng đồng…; Cung cấp báo cáo khuyến nghị thường niên cho SOMRI và AMRI; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho các quốc gia về xử lý tin giả.
Là một đối tác tích cực của ASEAN, đại diện đến từ Australia đã trình bày và đề xuất ASEAN 03 hoạt động dựa trên định hướng trọng tâm của TFFN, cụ thể: Tổ chức các Chiến dịch trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức giới trẻ về Tác hại của Tin giả; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển hoạt động Kiểm chứng thông tin trong ASEAN; Tổ chức Hội thảo Lộ trình hướng tới phát triển các Chuẩn mực và Hướng dẫn trực tuyến./.