Hiện nay, cùng với sự phát triển về hạ tầng kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản trên địa bàn tỉnh đã vận dụng linh hoạt các ứng dụng của các sàn TMĐT, như: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn... để tạo cửa hàng số, cập nhật các thông tin, tài khoản bảo đảm thuận lợi cho quá trình trao đổi, tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Anh Nguyễn Thế Hoàng, đại diện HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), cho biết: HTX có một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu và được người tiêu dùng đánh giá cao, như: mắm tôm, mắm tép, nước mắm mang nhãn hiệu Vị Thanh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm không mấy dễ dàng bởi sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh để cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy, nhu cầu mua sắm của người dân thông qua các ứng dụng TMĐT ngày càng tăng. Do đó, HTX đã nghiên cứu để đa dạng hóa kênh phân phối, tiêu thụ cho sản phẩm nước mắm Vị Thanh. Hiện tại, HTX chế biến thủy sản Hải Bình đã mở được gian hàng tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT Postmart.vn và thường xuyên cập nhật các thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất để tăng sự tin cậy, niềm tin cho khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tại hội nghị tập huấn hướng dẫn vận hành và bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn, bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và Thủy sản tỉnh, khẳng định: Việc đưa các sản phẩm nông sản, hàng hóa lên các sàn TMĐT không chỉ góp phần hỗ trợ DN, người sản xuất tiếp cận phương thức kinh doanh mới mà còn nhanh chóng tiếp cận với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để việc kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa qua các sàn giao dịch TMĐT đạt được hiệu quả cao nhất, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cần nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.