Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT

Thứ ba, 09/07/2013 07:44

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, Ban chỉ đạo địa phương cho biết, đến nay đã có gần 13.000 LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề, trong đó có hơn 84% LĐNT sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống của người dân sống ở các vùng nông thôn trong tỉnh từng bước được cải thiện…

img

Nghề mây giang xiên (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa) - là một nghề thu được hiệu quả sau đào tạo.

Thực hiện đồng bộ “4 có”, “4 biết”…

Ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xác định phải thực hiện lồng ghép đồng bộ nhiều nội dung, hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT với sự nỗ lực của cả chính quyền và người dân. Theo đó, địa phương thực hiện “4 có” gồm: 27/27 huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo các cấp với chương trình được phê duyệt cho cả giai đoạn 2011 – 2015; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động của xã mình; có danh sách các cơ sở dạy nghề của địa phương và có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. Với người nông dân thực hiện “4 biết” gồm: Biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết địa chỉ dạy nghề mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.

Cùng với việc thực hiện “4 có”, “4 biết” trên địa bàn, tại các trung tâm và cơ sở dạy nghề tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, thí điểm mô hình giảng dạy, phát triển đổi mới giáo trình, kiểm tra, đánh giá…cũng được thực hiện có hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được tăng cường; trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao…Sự vào cuộc đồng bộ của địa phương trong đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần chuyển đổi cơ cấu LĐNT, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thêm thu nhập, cung cấp lao động cho các cơ sở sản xuất, ổn định an ninh xã hội địa phương. Trong đó, ngành Lao động thương binh xã hội phối hợp với các hội và Đoàn thanh niên tổ chức 61 lớp tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho 3.050 LĐNT tại 11 huyện miền núi, ngoài ra hàng năm còn tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho trên 30.000 lượt người.

Tính chung toàn tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện đề án đã tổ chức 391 lớp dạy nghề, thu hút 12.971 LĐNT theo học ở 57 ngành nghề, trong đó có 12.581 người đã học xong nghề, số có việc làm đúng nghề đào tạo là 10.612 người, đạt 84%.

Hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT ở Thanh Hóa được phân theo 4 nhóm, trong đó có 229 lớp dạy nghề nông nghiệp với 7.803 LĐNT theo học; 76 lớp làng nghề (2.387 học viên); 74 lớp nghề công nghiệp – dịch vụ (2.201 học viên); 12 lớp đánh bắt xa bờ (400 học viên)… Đến nay, có 389 hộ nông dân sau khi học nghề đã được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất và 408 hộ đã thoát nghèo; 547 LĐNT sau khi học nghề đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Các mô hình dạy nghề có hiệu quả trên địa bàn như: Nghề mây giang xiên (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa), chăn nuôi lợn (xã Quý Lộc, Yên Định), trồng lúa năng suất cao (huyện Thọ Xuân); thuyền trưởng, máy trưởng, sửa chữa máy tàu cá, điều khiển máy tàu cá, nuôi tôm sú… (các huyện Nga Sơn, Quảng Xương)…

Tập trung đào tạo theo nhu cầu

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở LĐTBXH Thanh Hóa, Đề án 1956 đã tạo cơ hội để mỗi LĐNT học được một nghề theo nhu cầu và tìm được một việc làm ổn định. Đối với nghề nông nghiệp, người lao động sau khi học nghề xong đã có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng xuất lao động; đối với nghề phi nông nghiệp, do những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức dạy nghề, cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nên LĐNT rất hào hứng học nghề và có việc làm ngay, tăng thu nhập cho gia đình.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, ngay năm đầu tiên thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương rà soát, xác định điều kiện dạy nghề của từng cơ sở tham gia dạy nghề. Đồng thời, việc lập kế hoạch dạy nghề phải phù hợp với nguồn lực được bố trí và năng lực đào tạo của địa phương; đẩy mạnh chấn chỉnh công tác tư vấn, lựa chọn học nghề và tổ chức dạy nghề chất lượng. Đặc biệt, địa phương đã thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Huyện, thành phố phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, lấy nội dung đề án làm cơ sở triển khai. Không tổ chức dạy và học khi NLĐ không dự báo được nơi làm và mức thu nhập sau khi học nghề”. Đây là giải pháp quan trọng góp phần “cởi trói” những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở nhiều năm trước.

Việc gắn kết quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực với Đề án đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của từng địa phương, mà còn là vấn đề chiến lược  cho phát triển nguồn nhân lực mang tính đón đầu của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, việc thực hiện đề án gắn với các quy hoạch về phát triển sản xuất còn góp phần tích cực trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đáng lưu ý, nguyên tắc “không tổ chức đào tạo khi NLĐ không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập say khi học nghề” đã góp phần giảm đáng kể việc tổ chức các lớp đào tạo không theo nhu cầu, gây lãng phí tiền của Nhà nước và cả công sức của người học. Để thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả, Thanh Hóa đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong công tác phối hợp, liên kết đào tạo để sử dụng nguồn lao động, đồng thời xây dựng những dự án động lực để chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ…

Tuyển sinh học nghề vẫn khó khăn

Đạt nhiều hiệu quả tích cực, song công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế. Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, chương trình dạy nghề được xây dựng khá phong phú với các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, cơ khí, điện dân dụng… nhưng một số nghề chưa thực sự gắn bó với người nông dân. Ông Nguyễn Cao Thắng, Hiệu trưởng Trường  CĐN Thanh Hóa chia sẻ: “Đào tạo nghề cần gắn với thực tiễn đời sống người dân; phải tính toán, xây dựng chương trình phù hợp với cả nhu cầu học và tiềm năng phát triển nghề ở địa phương. Có nhiều nghề, nếu chỉ được đào tạo ngắn trong 3 tháng thì không thể thành nghề được, hay như nghề trồng nấm, dễ học, dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao nhưng với những hộ dân nghèo không có vốn thì rất khó để tự tổ chức sản xuất tại gia đình”.

Cùng băn khoăn này, ông Mai Duy Thái, Hiệu trưởng trường TCN Nga Sơn cho biết: “Do tâm lý bằng mọi giá phải cho con cái học tại các trường đại học, cao đẳng của các gia đình nên việc tuyển sinh ở các trường nghề, đặc biệt là hệ trung cấp nghề đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp trong khi nhu cầu tuyển dụng thợ có tay nghề của các doanh nghiệp lại rất cao. Đây là một thực tế đáng báo động, đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác dạy nghề trên địa bàn”.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top