Thanh Hóa đẩy mạnh sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Thứ bảy, 05/11/2022 05:47

Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

U40.png

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM), các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã bám sát hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP.

 
Đưa sản phẩm OCOP ra “sân chơi” lớn
 
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao là mắm tôm Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa; 44 sản phẩm đạt 4 sao; 151 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện các địa phương đã rà soát và đăng ký thêm 130 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch để hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP năm 2022.
 
Để đẩy mạnh các sản phẩm OCOP trên địa bàn, thời gian qua Thanh Hóa đã tích cực tham gia các chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Cụ thể, tham gia Hội nghị “Phát triển chuỗi giá trị mây, tre tỉnh Thanh Hóa gắn với xây dựng sản phẩm OCOP” do tổ chức USAID tài trợ; đấu mối, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh để các chủ thể OCOP tỉnh Thanh Hóa tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ triển lãm thương mại và sản phẩm OCOP - tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
 
Thanh Hóa: Đẩy mạnh sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, nâng cao đời sống cho người dân
Thương hiệu sản phẩm OCOP mắm tôm Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đạt 5 sao
Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã tổ chức 6 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại lễ công bố 3 huyện: Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn đạt chuẩn NTM; 12 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 05 năm thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022; Hội Nông dân tỉnh chủ trì tổ chức 4 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại sự kiện “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” tại thành phố Sơn La.
 
Ngoài ra, Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Công Thương Quảng Nam để hỗ trợ 30 doanh nghiệp với 200 mặt hàng của Thanh Hóa tham gia Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022. Trong đó, 02 gian hàng OCOP và 01 gian hàng làng nghề truyền thống.
 
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về lợi ích khi tham gia OCOP, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty thực phẩm và thương mại Lê Gia cho hay: “Lê Gia là một trong 20 sản phẩm của cả nước tham gia vào OCOP đợt đầu tiên năm 2022. Có thể khẳng định OCOP là chương trình rất nhân văn, giúp các sản phẩm của Lê Gia được tiếp cận, có mặt trên các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.opmart. Chương trình OCOP còn tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông sản được tiêu thụ tốt hơn".
 
Còn nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn chè Đông, một trong những sản phẩm OCOP đạt 4 sao phấn khởi: "Tôi tham gia chương trình OCOP từ năm 2021, từ khi vào OCOP sản phẩm làm không đủ bán. Có thể khẳng định, OCOP là chương trình mang lại lợi ích rất lớn. Hiện chúng tôi đang tuyển thêm lao động có tay nghề để đang ứng cho các đơn hàng trong cả nước"
 
Phát triển thị trường thương mại điện tử
 
Để hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021, về việc: “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
 
Đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, 28 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh này.
 
Để đẩy mạnh hơn nữa sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Thanh Hóa: Đẩy mạnh sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, nâng cao đời sống cho người dân
Hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã được đưa lên sàn thương mại điện tử
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới hóa đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
 
Nhận định về mức tiêu thụ của sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Từ nay đến cuối năm, Thanh Hóa đặt mục tiêu đưa thêm 80 sản phẩm vào OCOP. Sau khi các sản phẩm được công nhận OCOP, tính bình quân tăng trưởng khoảng 30%, cá biệt có những sản phẩm tăng gấp 2 đến 3 lần”.
 
“Chương trình OCOP đã giúp chất lượng sản được nâng cao, tính hoàn thiện của các sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, quy mô, tổ chức của các doanh nghiệp được hoàn thiện hơn; người nông dân được tiếp cận với nhiều hình thái thị trường khác nhau, nên trình độ sản xuất của họ cũng được nâng lên. Tới đây sẽ có nhiều sản phẩm tiếp tục được đưa lên sàn thương mại điện tử” – ông Anh nhấn mạnh.
Nguồn: congthuong.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top