Thực hiện mục tiêu CĐS cả 26/26 xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Yên Định đã thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp xã và thành lập 149 tổ công nghệ số cộng đồng với 476 thành viên. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Để xây dựng chính quyền số, các đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; các chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số cũng từng bước được hoàn thành; tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND huyện đạt 99%, UBND cấp xã đạt 98%; triển khai có hiệu quả phần mềm một cửa từ cấp huyện đến cấp xã đạt 100%...
Tại xã Định Long (Yên Định), nếu như trước đây, việc triển khai hạ tầng số còn những hạn chế như: đường truyền mạng chưa ổn định, hệ thống mạng chưa được cấu hình và phân chia lớp mạng; việc cấp chữ ký số còn chưa đầy đủ, trong khi đó công chức sử dụng chưa thường xuyên; việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; số tài khoản được cấp để sử dụng ít, tỷ lệ văn bản chưa xử lý trên môi trường mạng còn nhiều... thì hiện nay, hạ tầng số của xã đã được cải thiện đáng kể, hệ thống mạng internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình...
Ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Định Long, cho biết: Một trong những chuyển biến tích cực trong thực hiện CĐS ở Định Long đó chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS, với các hoạt động như: thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh, thanh toán tiền điện, nước; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính... Để phát triển kinh tế số, UBND xã đang tích cực triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội zalo, facebook... nhằm quảng bá hình ảnh, thông tin, sản phẩm dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương thông qua việc thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, giúp sản phẩm của địa phương được nhiều người biết đến, tin dùng và có độ nhận diện cao.
Trực tiếp đến từng hộ dân, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế; hay như hỗ trợ bà con tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền nước, học phí... là những công việc thường xuyên của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Hoạt động tích cực của các tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp bà con Nhân dân thay đổi từ nhận thức đến thói quen sử dụng công nghệ. Anh Bùi Văn Hồng, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ, cho biết: Trước đây, bà con muốn nộp tiền điện phải đi đến tận các điểm thu, nhờ có sự hướng dẫn của tổ công nghệ số mà bà con có thể dễ dàng nộp tiền qua điện thoại. Hiện nay, tỷ lệ bà con trong thôn nộp tiền điện qua điện thoại đã tăng lên 60%. Thông qua việc hướng dẫn, bà con nắm bắt công nghệ, chúng tôi còn lồng ghép phổ biến các chủ trương, đường lối của tỉnh, huyện, xã đến bà con hay việc bà con phản ánh nguyện vọng tới các cấp chính quyền cũng nhanh và dễ dàng hơn.
Đẩy mạnh CĐS cấp xã, xã Kiên Thọ đang khuyến khích cán bộ, công chức tiếp cận các phần mềm nhằm phục vụ công việc hiệu quả hơn; đồng thời lập các nhóm zalo, facebook để quảng bá hình ảnh, văn hóa, đặc sản của quê hương; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng điện tử... Qua đó, giúp người dân và chính quyền tăng cường sự tương tác, vừa kịp thời nắm bắt và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, như cơ sở hạ tầng phục vụ CĐS cấp xã còn thiếu và yếu, thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng và gián đoạn đường truyền; trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ cấp xã, thôn còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng các phần mềm, hệ thống số còn lúng túng... Song, để nâng cao hiệu quả hoạt động CĐS cấp xã, các địa phương mong muốn tỉnh thường xuyên tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số và thực hành các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên hệ thống dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện CĐS, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh và ứng dụng rộng rãi việc CĐS trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Qua đó, góp phần đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả hoạt động CĐS cấp xã, bắt kịp với xu thế CĐS chung.
CĐS cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10-1-2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục chủ động nâng cao trách nhiệm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS, quyết tâm phấn đấu sẽ có 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS theo Bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2022-2025.