Thanh Hoá: 94 xã, phường, thị trấn hoàn thành các tiêu chí trong mô hình chuyển đổi số

Thứ ba, 03/01/2023 11:03

Chiều 30/12, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đã hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Trong đó, lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước được tăng cường, đã tạo bước đột phá, phát triển toàn diện cả chiều sâu và chiều rộng; làm thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, từ hình thức hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử góp phần cải cách hành chính, tăng tính tiện ích, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 100% lãnh đạo, cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc và các phần mềm dùng chung của tỉnh.

Cùng đó, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã; cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp 154 dịch vụ công mức độ 3 và 716 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 860 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 816.759 hồ sơ; đã xử lý 783.445 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,93%.

Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng được sử dụng tại 100% các cơ quan nhà nước và hơn 150 đơn vị sự nghiệp của tỉnh; đã cấp hơn 1.100 chứng thư số cá nhân. Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022, tổng số lượt văn bản trao đổi, xử lý trên môi mạng là 3.024.840 lượt văn bản, số văn bản gửi đi là 902.051 văn bản; số văn bản nhận là 2.122.789 văn bản; tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,8%.

Đặc biệt, các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) ; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định), đã thực hiện liên thông văn bản 3 cấp trong tỉnh qua trục dữ liệu nội tỉnh (LGSP) ở cả Khối Đảng, Chính quyền, Đoàn thể chính trị, việc gửi/nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, hằng năm ước tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

h2_15.jpg


Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số (CPI) năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng thành công chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.

Được biết, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong năm 2022, có 94 xã, phường, thị trấn đang thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong mô hình chuyển đổi số cấp xã; 22.673 doanh nghiệp đã tiếp cận, tham gia và từng bước ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành Thuế và ngành Giao thông vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Năm 2023, Thanh Hóa tiếp tục xác định “thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa một cách toàn diện (từ Chính quyền đến xã hội) để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số” là khâu đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thanh Hoá đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Hà Anh - Sở TTTT Thanh Hóa
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top