Tham luận của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về chuyển đổi số tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2022 của Chính phủ với địa phương

Thứ sáu, 07/01/2022 10:39

Ngày 5/1/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022. Cổng TTĐT Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.

2312---hoi-nghi-mic-20211223110329.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Đại dịch Covid-19 là đại dịch trăm năm. Đại dịch trăm năm sẽ cho chúng ta những bài học trăm năm và những cơ hội trăm năm. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là tận dụng những bài học và cơ hội đó, tận dụng thời cơ để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng Việt Nam. Một trong những cơ hội trăm năm đó là chuyển đổi số.

Chống dịch thành công thì cần sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số muốn thành công cũng phải như vậy, và càng phải như vậy.

Phòng chống dịch thì cần kỹ năng phòng dịch 5K của từng người dân. Chuyển đổi số muốn thành công thì cũng cần trang bị kỹ năng số cho toàn dân.

Chống dịch thành công thì phải chuyển từ phòng ngự giai đoạn đầu sang tấn công, trang bị vũ khí là vắc xin, là thuốc, là công nghệ để tấn công. Chuyển đổi số muốn thành công thì cũng cần trang bị công nghệ số, các nền tảng số, nhất là 35 nền tảng số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa vào kế hoạch phát triển năm 2022. CNTT những năm qua là đi theo thì chuyển đổi số phải chuyển thành tấn công đi đầu, đi trong nhóm đầu, với tinh thần tấn công mạnh mẽ.

Chống dịch thành công thì cần gần dân nhất, đó là các trung tâm y tế cấp xã, phường, các tổ Covid cộng đồng tại tổ dân phố, thôn, bản. Chuyển đổi số muốn thành công thì cũng cần các tổ công nghệ cộng đồng, lấy thanh niên làm nòng cốt, đến được với từng hộ gia đình. Các địa phương có thể xem xét thành lập các trung tâm công nghệ cấp xã phường, dựa trên nguồn lực của các doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương.

Chống dịch thành công thì lấy người dân làm trung tâm và làm chủ thể. Chuyển đổi số cũng phải vì người dân, lấy người dân làm trung tâm, và từng người dân phải tham gia chuyển đổi số thông qua việc sử dụng công nghệ số trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Công thức thành công của người Việt Nam là Nhỏ - Nhanh - Gần và Cơ động. Chuyển đổi số thành công thì cần nhỏ tới mức từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nhỏ. Vì nhỏ nên có thể nhanh, linh hoạt. Chuyển đổi số thì cá nhanh thắng cá chậm, chứ không phải cá to nuốt cá bé. Tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ từng hộ gia đình, con cái học công nghệ số thì giúp bố mẹ mình, đó là gần. Chuyển đổi số thì rất khó triển khai từ xa, nhất là đối với người Việt Nam vốn quen với trực quan, trực tiếp. Những việc lớn hơn, cần giải quyết gọn thì cần cơ động lực lượng.

Việt Nam muốn phát triển thì vẫn phải đi con đường Việt Nam, làm theo cách Việt Nam. Việt Nam có ngữ cảnh Việt Nam bởi vậy mà sức mạnh thời đại phải được Việt Nam hoá. Các công nghệ số vốn giống như các nền tảng, chúng cần được phát triển tiếp để phù hợp với từng ngữ cảnh. Và đó cũng chính là không gian vô cùng rộng lớn cho người Việt Nam phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ và làm chủ công nghệ.

Năm 2021 là năm Việt Nam có sự thay đổi thứ hạng khá đáng kể về chuyển đổi số trong các bảng xếp hạng được công bố năm 2021 bởi Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức chính thống khác. Bưu chính xếp thứ 47/168, tăng 2 bậc. An toàn, an ninh mạng xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia hấp dẫn nhất về dịch vụ công nghệ thông tin. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự trỗi dậy số thuộc nhóm đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế Internet gần 30%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 30% lên 96%, cũng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Đó là thế giới đánh giá chúng ta. Còn chúng ta lại nhìn thấy nhiều tồn tại. Chúng ta không ngại lộ ra những tồn tại, vì tồn tại luôn là động lực để chúng ta tiếp tục tiến về phía trước. Sự không hoàn hảo luôn là một động lực hoàn hảo.

Nhận thức đúng về bản chất, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số ở nhiều cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến thực thi mang tính hình thức, theo phong trào hoặc thiếu đồng bộ, nửa vời, chưa triệt để.

Chuyển đổi số thì quan trọng nhất là dữ liệu và liên thông dữ liệu. Nhưng sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số thì quan trọng nhất là dùng chung các nền tảng số. Nếu mỗi cơ quan, tổ chức tự đầu tư một hệ thống thông tin riêng biệt thì sẽ rất tốn kém và sẽ luôn gặp vấn đề về liên thông, kết nối, chia sẽ dữ liệu. Nhưng nếu các cơ quan, tổ chức sử dụng chung một nền tảng số thống nhất thì không chỉ tiết kiệm mà vấn đề liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu tự nhiên được giải quyết.

An toàn thông tin mạng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việt Nam còn thiếu nguồn lực cho chuyển đổi số, lại càng thiếu nguồn lực cho an toàn, an ninh mạng. Một số vụ tấn công mạng gây lộ lọt tài liệu, lộ lọt dữ liệu người dân trong 2 năm vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên môi trường số.

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Dữ liệu, Chiến lược Bưu chính, Chiến lược An toàn thông tin mạng, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, trên cơ sở đó, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của Bộ, Ngành, địa phương mình ngay trong tháng 1/2022 để triển khai quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm.

Chuyển đổi số là một cơ hội. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhân loại thì chúng ta đứng đâu sẽ vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước và đi nhanh hơn thì chúng ta mới vượt lên trước, thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đi trước thì luôn cần sự dẫn dắt của Đảng, của Nhà nước. Tỉnh uỷ có một nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, UBND có một chương trình hành động về chuyển đổi số. Tiếp theo đó là một thể chế số, một hạ tầng số, một thị trường số, một nguồn nhân lực số, một sự đổi mới sáng tạo số. Những nền tảng ban đầu này sẽ quyết định sự thành công của chuyển đổi số Việt Nam, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số thông minh, phồn vinh và hạnh phúc.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top