Ảnh minh họa
Cuộc Tổng điều tra kinh tế là một trong 3 cuộc Tổng điều tra cơ bản của Quốc gia, được thực hiện trên phạm vi cả nước, nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bổ của các cơ sở và lao động theo địa phương, ngành kinh tế và hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương…
Trên cơ sở đó, ngành chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo. Có 5 đối tượng thuộc diện điều tra, bao gồm: Các doanh nghiệp/hợp tác xã; các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; các cơ sở SXKD thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung điều tra bao gồm: Ngành và loại hình hoạt động; lao động và thu nhập của người lao động; kết quả thu, chi; tài sản, nguồn vốn; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; việc tiếp cận tài chính, khả năng hội nhập quốc tế.
Thời gian điều tra được thực hiện theo 2 giai đoạn: Từ ngày 1-3 đến hết 31-5-2021 sẽ tiến hành đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; từ ngày 1 đến 30-7-2021 là đối với các cơ sở SXKD cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Có 2 hình thức áp dụng điều tra. Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra Kinh tế 2021 (phiếu điều tra trực tuyến Web-fom); còn các cơ sở SXKD cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điều tra viên sẽ đến trực tiếp phỏng vấn chủ cơ sở, kết hợp quan sát đối tượng điều tra vào phiếu điện tử (CAPI) được thiết kế trên thiết bị điện tử cầm tay. Như vậy, so với các lần trước, điểm mới trong Tổng điều tra lần này là tách riêng nội dung Tổng điều tra các đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện và áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các khâu: Từ thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát đến xử lý kết quả điều tra (trước đây, chỉ áp dụng trong công đoạn xử lý kết quả).
Còn đối với cuộc Điều tra cơ sở hành chính, đối tượng điều tra là các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội các cấp, từ Trung ương đến địa phương trên địa bàn tỉnh, gồm: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh; các cơ sở trực thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp, cơ sở kinh tế). Thông qua việc điều tra để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước và của tỉnh…
Theo đó, các cơ sở hành chính được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu web-form trên Trang thông tin điện tử của Điều tra cơ sở hành chính, theo địa chỉ: cshc.moha.gov.vn. Lãnh đạo cơ quan hoặc người được ủy quyền có thể trả lời các thông tin trong phiếu điều tra. Thời gian điều tra từ ngày 1-3 đến ngày 30-4-2021.
Tính đến ngày 25-3, BCĐ Tổng tra các huyện, thành phố, thị xã đã hướng dẫn kê khai cho 124/504 đơn vị hành chính sự nghiệp; 600/4.474 doanh nghiệp đã được hướng dẫn kê khai (trong đó, có 73 doanh nghiệp đã hoàn thành kê khai; 45 doanh nghiệp đang thực hiện kế khai). Đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, có khoảng 750/1.085 đơn vị đã được điều tra viên liên hệ hướng dẫn kê khai, trong đó có 210 đơn vị đã hoàn thành. So với tiến độ đề ra, kết quả bước đầu đạt được cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh: Quá trình triển khai cho thấy còn có đại diện đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi kê khai vào phiếu điều tra còn bỏ sót thông tin, thậm chí là thông tin chưa phản ánh đúng tình hình hoạt động sản xuất của đơn vị cung cấp thông tin. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả và mục đích của cuộc Điều tra. Chúng tôi cam kết, các thông tin này chỉ có một mục đích duy nhất là để Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành cũng như địa phương đưa ra các kế hoạch, hoạch định trong các chiến lược trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, rất mong các đơn vị, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, cùng hợp tác cung cấp thông tin một cách đầy đủ, trung thực, để Cuộc điều tra diễn ra thành công.