Tăng sản lượng tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT
Sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tuy đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm chè, lúa gạo, rau, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi. Nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và phát triển TMĐT cho các sản phẩm này còn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản còn thiếu cán bộ hiểu biết về CNTT, quy trình bán hàng, marketing…
Vì vậy, để việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT có thể tiến xa hơn và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT sẽ cùng với các sở, ban ngành tỉnh Thái Nguyên tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông sản khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT để tăng số lượng hộ sản xuất lên sàn cũng như tăng sản lượng tiêu thụ nông sản. Trước đó, sáng ngày 18/3/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT nhằm thúc đẩy số lượng hộ sản xuât và sản lượng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đại diện HTX chè Khe Cốc, ông, Tô Văn Khiêm cho biết hiện nay, HTX có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 10 sản phẩm OCOP 3 sao và mong muốn xây dựng được không gian văn hoá chè, có nhà xưởng hiện đại và đáp ứng xuất khẩu.
Qua chương trình kết nối giao thương đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, đặc biệt là sàn Postmart và Vỏ sò và livestream, HTX đã được kết nối với khách hàng trong và ngoài nước, số lượng tiêu thụ sản phẩm tăng lên rõ rệt, các sản phẩm đều đạt iêu chí an toàn thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, việc phân phối bán hàng được giảm đi đáng kể. Ví dụ, HTX muốn giới thiệu một sản phẩm ở Hà Nội thì sản phẩm phải cộng thêm 28% - 35% chi phí nhưng trên sàn giao dịch TMĐT, chi phí giảm ít nhất được 30%. "Đây là điểm lợi nhất để tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng giá thành hợp lý, giúp HTX có sức cạnh tranh tốt hơn", Đại diện HTX Chè Khe Cốc cho biết.
Triễn lãm trưng bày các sản phẩm chè tại Thái Nguyên
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm – chìa khóa thành công.
Theo Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, là nông sản có lợi thế đặc biệt và nổi tiếng của tỉnh, chè Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng chè. Tổng diện tích chè hiện có trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 ước đạt 22.447,7 ha; sản lượng chè búp tươi bình quân năm 2021 ước đạt 251,9 nghìn tấn; sản lượng chè qua chế biến các loại đạt khoảng 48,9 nghìn tấn. Hiện đã có trên 80% HTX, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Toàn tỉnh có 6.813 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn chiếm 34,5% tổng diện tích chè cho sản phẩm.
Đại diện Trung tâm CNTT, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Trung tâm CNTT đã đưa ra các giải pháp cụ thể với các gói dịch vụ CNTT, dịch vụ số gắn với tên miền “.vn” đảm bảo phù hợp, thiết thực với từng nhóm khách hàng tiêu biểu tại tỉnh Thái Nguyên, bao gồm: Hợp tác xã ngành nghề, hộ kinh doanh cá thể; các Doanh nghiệp trên địa bàn; các cơ sở y tế; các cơ sở giáo dục.
Năm 2021, Cổng đăng ký tên miền quốc gia .vn https://tnict.vn đặt tại Trung tâm CNTT tỉnh Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động.Việc khai trương cổng đăng ký tên miền “.vn” sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bản thực hiện thao tác đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam một cách dễ dàng, thuận tiện nhất, giảm bớt các khâu trung gian. Tạo dựng được thương hiệu cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất. Đây là hoạt động rất ý nghĩa hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân địa phương chuyển đổi mô hình quản lý từ truyền thống sang kinh doanh trực tuyến hiệu quả trên môi trường mạng, giúp các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên có cơ hội vươn tới thị trường rộng lớn trong nước và quốc tế./.