ảnh minh họa
Thuốc là điện tử (TLĐT) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có ít nhất 60 hợp chất hóa học. Nicotine là một chất gây nghiện cao, làm tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.
Thuốc lá nung nóng (TLNN) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra khói có thể hít vào, có chứa nicotin và các hóa chất khác. TLNN tạo ra chất khí độc hại, trong đó có nhiều chất độc giống như khói thuốc lá điếu thông thường. Nhiều trường hợp lại cho rằng dùng TNĐT hoặc TLNN có thể giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, chưa có bằng chứng nào khẳng định điều này và không xác nhận TLĐT là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Ngày 9/5/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2070/UBND-KGVX về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha theo nội dung Công văn số 2633/BYT-KCB ngày 04/5/2023 của Bộ Y tế tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
Tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Công văn số 2633/BYT-KCB ngày 04/5/2023 của Bộ Y tế. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, giáo viên, học viên, học sinh và người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, TLĐT và TLNN là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng các sản phẩm này ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra còn gây rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần ở người trẻ tuổi.
Các sản phẩm TLĐT và TLNN được sản xuất với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn giới trẻ (thống kê có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng). Điều này khiến tình trạng gia tăng sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trong lứa tuổi học sinh.