Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn TMĐT là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay. Phương thức này còn đặc biệt phù hợp trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, theo đánh giá, đây mới chỉ là kênh phân phối nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân, bởi sản lượng nông sản thu hoạch khi vào mùa thường rất lớn. Do vậy, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả giúp người nông dân phát triển, mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa vào mùa thu hoạch chính vụ.
Minh chứng rõ nét về vai trò của sàn TMĐT là việc tiêu thụ na của nông dân xã La Hiên (Võ Nhai) vào quý 3 vừa qua. Chị Triệu Thị Luyến, thành viên HTX Na La Hiên chia sẻ: Thông quacác sàn giao dịch TMĐT và kênh tiêu thụ trực tiếp, chúng tôi bán được hơn 80 tấn na trong vụ thu hoạch năm nay. Để có được thành công này, HTX tổ chức phân phối một cách bài bản, đồng loạt trên 5 sàn TMĐT lớn, gồm Sendo.vn, Voso.vn, Shopee.vn, Lazada.vn và Tiki.vn để tiếp cận đa dạng khách hàng và nhu cầu thị trường.
Tương tự, đối với HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch (xã Kim Phượng, Định Hóa), nhờ đẩy mạnh quảng bá, giao dịch trên các sàn TMĐT như Voso.vn, thainguyentrade.vn, thainguyentrade.gov.vn…, các hộ thành viên tiêu thụ được trên 10 tấn mỳ gạo chỉ trong vòng 2 năm qua.
Tuy nhiên, dù chưa có cuộc khảo sát chính thức nhưng trên thực tế, số lượng các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT còn khiêm tốn so với con số hơn 164 nghìn hội viên nông dân trên toàn tỉnh.
Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu ở không ít nơi, nhưng TMĐT vẫn là “sân chơi” khá mới lạ với người nông dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để bán sản phẩm trên các sàn TMĐT là không dễ. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai các giải pháp số.
Để giải quyết vấn đề này, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về TMĐT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hộ nông dân đưa nông sản lên các sàn TMĐT.
Đơn cử như trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên về việc quảng bá, giới thiệu và cung cấp nông sản trên sàn TMĐT voso.vn. Qua đó, thu hút trên 100 đơn vị, cá nhân trong tỉnh đăng ký tham gia. Hay để giúp hội viên, các hộ sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận sàn TMĐT, mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch kết nối 2 doanh nghiệp viễn thông chủ lực trên địa bàn là Bưu điện tỉnh và Viettel Thái Nguyên để đưa mặt hàng nông sản lên 2 sàn giao dịch Postmart.vn và Voso.vn.
Là đại diện của 1 trong 2 đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác (thông qua sàn Postmart.vn), ông Đỗ Hải Nguyên, Giám đốc Bưu điện tỉnh vạch kế hoạch: Trước mắt, chúng tôi sẽ giới thiệu, hướng dẫn để hộ sản xuất trải nghiệm, làm quen với công nghệ số, cách thức mua – giao – nhận hàng. Sau đó sẽ từng bước chọn hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm để tham gia sàn, đăng thông tin sản phẩm để quảng bá, giới thiệu.
Bưu điện cũng phân khúc thị trường theo từng tiêu chí, đối tượng khách hàng, sản phẩm khác nhau, như: Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm rao bán bình thường… Tùy theo nhu cầu, năng lực của nông dân, chúng tôi sẽ có cách thức quảng bá phù hợp…