Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Song, theo đánh giá của các ngành chức năng, chất lượng nhân lực của tỉnh chưa đồng đều, chưa thực sự thành thạo các kỹ năng sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu hụt nhân lực làm chủ công nghệ mới, nên gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số… Tại Nghị quyết số 01-NQ/TU, Ban Chấp hành Tỉnh ủy nhận định, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh còn thấp, hiện xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước thực trạng trên, Thái Nguyên đã đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nguồn nhân lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để chuyển đổi số thành công. Mục tiêu của tỉnh là phải thay đổi cách dạy, cách học, cách quản trị nhà trường về chuyển đổi số. Để làm được điều đó, cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về chuyển đổi số.
Tại Kế hoạch số 80/KH-UBND, UBND tỉnh đề ra giải pháp ưu tiên nguồn lực tài chính; huy động và bố trí cán bộ có năng lực chỉ đạo và tham mưu thực hiện chuyển đổi số; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng tại cấp huyện và cấp xã; phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn phù hợp về chuyển đổi số, thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ; khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy - học, xây dựng giáo án điện tử, thí nghiệm ảo, dạy học trực tuyến.
Mở rộng mô hình đào tạo liên kết
Chiều 5/11, tại Đại học Thái Nguyên đã diễn ra lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với Trường đại học Thái Nguyên, Trường cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Trường cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp.
Theo nội dung của biên bản ghi nhớ, các bên hỗ trợ nhau trong công tác hướng nghiệp, tuyển dụng. Theo đó, dựa trên kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực hàng năm, SEVT sẽ hỗ trợ các trường tổ chức các chương trình ngày hội hướng nghiệp, tuyển dụng cho sinh viên tại các đơn vị đào tạo nêu trên…
Trước đó, SEVT đã hợp tác với Trường đại học Thái Nguyên để đầu tư phòng lab hiện đại và tiếp nhận hàng trăm lượt sinh viên thực tập và làm việc tại cơ sở sản xuất này.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường đại học Thái Nguyên (ICTU) thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhân lực chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
PGS-TS. Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng ICTU cho biết, trong chương trình phối hợp với tỉnh triển khai các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, ICTU đã xây dựng mới chương trình đào tạo hệ đại học về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và các chương trình đào tạo khác phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của xã hội gồm: công nghệ ô tô và giao thông thông minh, kỹ thuật cơ điện tử thông minh và robot, kinh tế số.
Từ những giải pháp trên, các ngành của tỉnh đã triển khai 4 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng tại cấp huyện và cấp xã; tổ chức đào tạo kỹ năng số cho 34 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chè; tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức tại các ngành và địa phương trong tỉnh; cấp tài khoản và tập huấn cho giáo viên, học sinh toàn tỉnh về nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams...
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng; phối hợp cùng Cục Tin học hóa triển khai Chương trình hợp tác nâng cao nhận thức chuyển đổi số, đào tạo nhận thức, kỹ năng về nông nghiệp số cho các hộ nông dân; đào tạo kỹ năng số cho người lao động tại các khu công nghiệp.
“Riêng với ICTU, chúng tôi sẽ phối hợp để đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin về các nội dung chuyên sâu như: trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn; ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi - khối) trong quản lý; công nghệ thực tại ảo và an toàn, an ninh thông tin”, ông Hòa cho biết.