Hỗ trợ 6.030 hộ bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc tiêu thụ nông sản của nông dân Thái Bình thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Ngoài sản phẩm chính là lúa gạo, thịt lợn được một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ thì đa số các sản phẩm nông dân bán lẻ tại các chợ truyền thống hoặc trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp, tư thương để tiêu thụ nhưng không bền vững, không có hợp đồng lâu dài. Bà con sản xuất theo thói quen, không theo quy hoạch và chưa đánh giá hết được nhu cầu thị trường nên vào vụ thu hoạch chính khi cung lớn hơn cầu thì giá nông sản sẽ bị đẩy xuống thấp gây thiệt hại cho bà con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có nhu cầu thu mua nông sản thiếu các thông tin về sản phẩm và thông tin của những người sản xuất nên việc cung - cầu chưa gặp nhau. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu thỏa thuận đặt ra là hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT nhằm giới thiệu, quảng bá, tạo ra kênh mới tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Theo đó, hai đơn vị sẽ phối hợp đưa những thông tin của sản phẩm và hộ sản xuất lên sàn TMĐT để bảo đảm sự kết nối cung cầu; xây dựng dữ liệu hàng hóa tạo thuận lợi trong quản lý, quản trị, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ; xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại qua các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ ở các tỉnh, thành trong cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nông dân Thái Bình; phối hợp tư vấn quy trình sản xuất, chế biến cũng như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nông dân sản xuất giỏi; các hộ nông dân sản xuất quy mô trang trại; các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp, các hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng thu nhập chính từ nông nghiệp; các tổ hợp tác, HTX, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân... Các loại nông sản, hàng hóa được lựa chọn đưa lên sàn TMĐT gồm: các loại nông sản an toàn, chất lượng do người nông dân sản xuất với mục đích bán ra thị trường; trong đó ưu tiên các sản phẩm nông sản, hàng hóa an toàn, chất lượng có giấy chứng nhận VietGap, GlobalGap, các sản phẩm OCOP... Qua chương trình góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Bình.
Theo bà Bùi Thị Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh: Hai ngành sẽ phối hợp hướng dẫn đào tạo trực tiếp cho nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh, các HTX, tổ hợp tác... tạo gian hàng trên sàn TMĐT, hướng dẫn quy trình mua bán trên sàn và được miễn phí hoàn toàn khi tham gia sàn. Giai đoạn 2022 - 2025 sẽ thu thập thông tin của 60.297 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch, phấn đấu có ít nhất 6.030 hộ bán sản phẩm trên sàn giao dịch TMĐT postmart.vn/agri-postmart.vn. Đến thời điểm này, hai ngành đã hỗ trợ đưa 64 sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình lên sàn postmart.vn bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Vừa qua, tại xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ), Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã lựa chọn 14 hộ nông dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp... tổ chức tập huấn, tạo tài khoản, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn bao gồm giò, nem, thịt gia súc gia cầm, sản phẩm sản xuất từ dược liệu...
Anh Lê Ngọc Huê, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng cho biết: Từ nhiều năm trước, tôi đã đưa các sản phẩm trà thảo dược của Thái Hưng bán trên các trang thương mại trực tuyến và nhiều sàn TMĐT và vừa qua tiếp tục đưa các postmart.vn. Từ sàn TMĐT, các sản phẩm của doanh nghiệp đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm của doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu sản phẩm tốt hơn, mở thêm nhiều đại lý, doanh thu bán hàng cũng nhờ vậy tăng lên.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Thời điểm này, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi đưa nông sản lên sàn TMĐT; triển khai các văn bản thực hiện thỏa thuận hợp tác đến hội viên, nông dân trong toàn tỉnh; chỉ đạo Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ lựa chọn mỗi xã, thị trấn 20 hộ để tổ chức tập huấn đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, sau đó sẽ rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Bưu điện tỉnh dự kiến sẽ phát triển 506 đại lý, cộng tác viên bán hàng sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Post là cán bộ, hội viên hội nông dân, qua đó hỗ trợ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT.
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải đánh giá: Việc hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân, hộ sản xuất kinh doanh, HTX, tổ hợp tác... giảm chi phí đi lại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận các sản phẩm hàng hóa của bà con với đầy đủ thông tin để trực tiếp đàm phán mua sản phẩm; đồng thời tạo cho người nông dân sự chủ động tiếp cận với các khách hàng ở cả trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, tránh bị ép giá. Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã triển khai nội dung thỏa thuận hợp tác tới tất cả hội cơ sở trong huyện; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tới hội viên, nông dân; hướng dẫn, vận động, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, Hội tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương quy vùng tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng đồng bộ để nông dân sản xuất những sản phẩm mà huyện Tiền Hải có lợi thế theo hướng chuyên canh, tạo khối lượng sản phẩm lớn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khi các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt thực hiện chương trình chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội rất lớn cho sự bứt phá của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị cho nông sản Thái Bình. Mỗi nông dân sau này sẽ là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, một thế hệ nông dân thông minh sẽ hình thành từ chính những thay đổi của hôm nay.
Anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy chia sẻ: Trang trại của gia đình tôi rộng 4ha trồng nhiều loại cây ăn quả và cây giống. Ngoài bán hàng trực tiếp, tôi tận dụng trang zalo và facebook cá nhân để giới thiệu về trang trại của mình, nhiều khách hàng từ các tỉnh khác đã kết nối và đặt mua hàng với số lượng lớn. Nhờ vậy sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, doanh thu mỗi năm đạt 1 tỷ đồng. Tôi cho rằng sử dụng công nghệ để bán hàng là phương thức hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí cho nông dân và nếu tham gia sàn TMĐT sẽ tạo cơ hội cho chủ trang trại tự quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm do mình làm ra. Vì vậy, tôi mong sớm được hỗ trợ để đưa các sản phẩm của trang trại lên sàn TMĐT và tôi tin rằng đây cũng là cơ hội để người nông dân thay đổi phương thức sản xuất thích ứng nhanh với công nghệ số, từ đó sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn.
Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT là giải pháp quan trọng giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác... quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Từ những giao dịch thành công sẽ giúp nông dân tự tin sản xuất trên những thửa ruộng của mình, tạo ra các sản phẩm chất lượng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.