Bên cạnh đó, Sở phối hợp các đơn vị có liên quan tích cực hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc…) và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Công ty Digital Kingdom JSC triển khai tập huấn sàn giao dịch thương mại điện tử B2B sản phẩm hợp tác xã, OCOP hợp tác xã và cổng BLOCKCHAIN số hóa hợp tác xã, hợp tác xã OCOP cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; phòng Kinh tế các thị xã, thành phố và hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa nhằm đa dạng hóa các kênh phân phối, từng bước mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản tỉnh nhà là yêu cầu bắt buộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tuy nhiên, nội dung này còn khá mới mẻ. Các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng như các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp, hộ sản xuất vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc kết nối thị trường tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử nên số lượng chủ thể tham gia và sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua kênh phân phối này chưa nhiều.