UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch này là hình thành và phát triển các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững gắn với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học công nghệ và phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản theo tín hiệu thị trường (trong và ngoài nước) tại các vùng, địa phương sản xuất nông sản.
Sản xuất theo thị trường
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn với việc tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.
Ðồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền kiến thức đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu, nhận thức được thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản và các sản phẩm sau chế biến từ nông sản gắn với dự báo, định hướng thị trường, có đầy đủ thông tin liên quan đến nhu cầu của thị trường. Tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước và năng lực tổ chức thực hiện ở các cấp.
Tỉnh sẽ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản an toàn bền vững. Tạo ra mối liên kết cho từng sản phẩm, từ khâu giống, kỹ thuật, vật tư đầu vào - sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến đến tiêu thụ của tỉnh. Ban hành quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025. Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Giai đoạn 2022-2025, Tây Ninh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và nghiên cứu rà soát cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản.
Ðẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin về nhu cầu, yêu cầu chất lượng, quy định đối với từng loại nông sản của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu nhằm giúp nhà nông chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
Ðể hỗ trợ nông dân sản xuất - tiêu thụ nông sản, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát, đánh giá, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản và các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại, các loại hình trung tâm logistic, chợ đầu mối - đặc biệt là tại khu vực nông thôn.
Căn cứ vào nhu cầu của thị trường tiêu thụ, vào kết quả hiện có của diện tích sản xuất của các loại cây trồng… các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn người sản xuất, định hướng phát triển diện tích các loại cây ăn trái, cây rau củ thực phẩm phù hợp nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu và bảo đảm vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng khác trong thời gian tới là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng và áp dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc, số hoá và lưu trữ các thông tin từ vùng trồng, thổ nhưỡng, nông dân cho đến kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm nuôi trồng và các thông tin khác.
Ðồng thời, tỉnh nâng cấp chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp theo định hướng Ðề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, bảo đảm các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc như: Nghiên cứu, chủ động thông tin nhà sản xuất (cả tổ chức và cá nhân), ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản để kiểm soát an toàn thực phẩm, gắn trách nhiệm đối với nhà sản xuất. Kiểm soát sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR.
Chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sản lượng, thời gian thu hoạch... nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu thực tế của thị trường.
Hiện đại hoá sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Nhà nước tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất (đê bao, hạ tầng tưới, tiêu...) và phục vụ chuyển đổi cây trồng theo định hướng; đầu tư hạ tầng hỗ trợ chuyên sâu như: trung tâm sản xuất giống cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và vật tư nông nghiệp, phân tích đánh giá chẩn đoán dịch hại, phân tích đánh giá chất lượng đất, đào tạo, tư vấn kỹ thuật...
Ðẩy mạnh ứng dụng các giống mới, năng suất cao, sạch bệnh; chuyển đổi giống đối với các vùng trồng không đáp ứng thị trường; ứng dụng mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật tiến bộ, cơ giới hoá, công nghệ sinh học, vi sinh vào các khâu trong sản xuất (trồng, chăm sóc, khai thác, thu hoạch, bảo quản, chế biến).
“Tăng cường phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc trong lĩnh vực thương mại bán lẻ” là một trong những mục tiêu mà tỉnh phấn đấu đạt được trong tương lai gần.