Tàu cá được trang bị hiện đại giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển
Thời gian qua, hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Quảng có những thay đổi rõ rệt. Đó là nhờ sự hỗ trợ cho ngư dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác hải sản. Nổi bật là việc ứng dụng máy dò ngang, ra đa hàng hải... trên tàu cá. Trên cơ sở hiệu quả của các trang thiết bị này ngư dân đã tự đầu tư nhân rộng phục vụ mở rộng ngư trường mang về hiệu quả kinh tế cao.
Làm chủ tàu hành nghề câu mực xà, chuyên đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với tổng số lao động trên tàu luôn dao động từ 20 - 25 người, nhưng mỗi chuyến biển, chủ tàu B.T.N, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ mang theo 1 - 2 phao cứu sinh và 2 - 3 áo phao. “Chúng tôi đi biển lâu năm, nên ai cũng có khả năng bơi lội và kinh nghiệm ứng phó với các sự cố trên biển. Hơn nữa, chúng tôi thường đi biển theo tổ, đội và trên tàu luôn trang bị sẵn các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, khi gặp sự cố thì liên lạc với tàu bạn đến ứng cứu. Vì vậy, chúng tôi rất ít khi mang đầy đủ các thiết bị như áo phao, phao cứu sinh, vì thấy không cần thiết”, chủ tàu B.T.N cho biết.
Không chỉ riêng tàu của ngư dân B.T.N, mà hầu hết các chủ tàu đánh bắt xa bờ tại nhiều làng chài như Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), Bình Châu (Bình Sơn)... khi được hỏi về áo phao, phao cứu sinh... đều cho biết đây là các thiết bị rất ít khi được mang theo khi vươn khơi. Ngay cả các ngư dân làm nghề câu mực gần bờ trên các thúng chai tại các địa phương như Bình Châu (Bình Sơn), Đức Minh (Mộ Đức), dù là phương tiện đánh bắt khá thô sơ, không được gắn thiết bị thông tin liên lạc như tàu cá, nhưng hầu hết ngư dân đều chủ quan không trang bị áo phao, phao cứu sinh khi đi biển.
Việc các tàu cá chưa trang bị đầy đủ thiết bị đảm bảo an toàn lao động khi vươn khơi, khiến nhiều ngư dân “trở tay không kịp” khi gặp sự cố trên biển. Đã có nhiều trường hợp ngư dân xã Bình Chánh khi đi câu mực bằng thúng trên biển bị rơi xuống biển và mất tích. Nhiều trường hợp tàu cá vì không trang bị phao cứu sinh và áo phao, nên khi gặp sự cố chìm tàu trên biển, các thuyền viên phải “bấu víu” tạm vào can nhựa, hoặc thùng xốp... để chờ được ứng cứu.
Như trường hợp tàu cá QNg 96307 TS của ngư dân Nguyễn Văn Hộ (Lý Sơn), dù thường xuyên đánh bắt tại vùng biển xa bờ, nhưng chủ tàu không trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh. Vào cuối năm 2018, khi tàu không may bị phá nước và bị sóng đánh chìm tại vùng biển xa bờ, 13 thành viên trên tàu phải bám vào các can nhựa và trôi lênh đênh trên biển gần một ngày trước khi được tàu khác ứng cứu.
Việc ngư dân chưa chú trọng việc trang bị thiết bị cứu sinh khi vươn khơi không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng của chính bản thân, mà còn vi phạm các quy định về an toàn hàng hải. Do vậy, các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải trên tàu cá và tập trung tuyên truyền, vận động về tầm quan trọng của thiết bị cứu sinh đến ngư dân. Có như vậy, mới góp phần giảm tới mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại cho ngư dân khi đánh bắt thủy sản trên biển.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết: "Chi cục tổ chức kiểm tra trang thiết bị cứu sinh tại các tàu đánh bắt thủy sản mỗi năm 1 lần, vào thời điểm đăng kiểm làm thủ tục gia hạn, hoặc cấp mới giấy phép khai thác thủy sản. Tại thời điểm kiểm tra định kỳ, hầu hết các tàu đều trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh như phao tròn, áo phao... đáp ứng theo quy định. Tuy nhiên, khi kiểm tra đột xuất, thì hầu hết các tàu đều không mang theo thiết bị cứu sinh theo quy định. Số ít tàu cá, dù trang bị đầy đủ, nhưng chủ tàu lại cất thiết bị cứu sinh dưới hầm, chứ không đặt tại những vị trí dễ dàng sử dụng ngay như mạn tàu, boong tàu... theo quy định”.