Tắt sóng 2G để thúc đẩy người dân sử dụng điện thoại thông minh

Thứ năm, 27/02/2020 15:21

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng lộ trình tắt sóng 2G để thúc đẩy 100% người dân chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh.

20200228-Nam-1.jpg
Việc tắt sóng công nghệ 2G sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác.
 
Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Bộ TT&TT đã xây dựng lộ trình tắt sóng 2G để thúc đẩy 100% người dân Việt Nam chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, giao dịch trực tuyến hướng đến nền kinh tế số. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, việc thúc đẩy 100% người dân có thể tham gia giao dịch trực tuyến nằm trong tầm nhìn về Chính phủ điện tử là số hóa toàn diện lấy người dân làm trung tâm, làm cho Chính phủ minh bạch hơn và chống tham nhũng.
 
Hiện nay, trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT năm 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Theo Bộ TTT&TT, từ năm 2021, mạng viễn thông Việt Nam tồn tại 4 công nghệ di động. Việc duy trì cùng lúc các công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới. Đồng thời, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, giành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.
Chia sẻ về việc tắt sóng công nghệ 2G, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, dự kiến hết năm 2019, VinaPhone còn khoảng 6,8 triệu thuê bao 2G, đến năm 2022 còn 3,9 triệu thuê bao, năm 2023 còn khoảng 2,5 triệu thuê bao 2G. Chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý sớm tuyên bố tắt mạng 2G để doanh nghiệp và khách hàng có kế hoạch chuyển dịch sử dụng thiết bị đầu cuối sang 3G, 4G. VNPT và các nhà mạng đang thiếu băng tần cho triển khai 4G. Do vậy, việc tắt sóng 2G sẽ giúp “giải phóng” băng tần 1.800MHz để dùng cho 4G. Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cũng mong muốn, ngay từ bây giờ cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất máy đầu cuối có hỗ trợ 3G, 4G giá rẻ. Cùng với đó, cần sớm xây dựng chính sách trợ giá, hoặc có chính sách đổi máy điện thoại hỗ trợ 3G giá rẻ cho người dùng.
 
Theo Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% năm 2017, xuống còn 6% vào năm 2025. Số lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường thế giới cũng giảm rất nhanh, dự kiến chỉ còn chiếm 15,1% vào năm 2023. 
20200227-Nam-2.jpg
Tắt sóng 2G sẽ giúp “giải phóng” băng tần để dùng cho 4G.
Năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G. Theo dự báo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhu cầu và hạ tầng viễn thông giai đoạn tới rất cao, đặc biệt để phát triển mạng 5G và các hạ tầng số. Vì vậy, năm 2020 sẽ cần tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông như cấp tần số để nâng cao dung lượng cho mạng 4G thông qua đấu giá băng tần 2,6GHz, 700MHz. Mặt khác, Cục Viễn thông cho rằng cần giải phóng các băng tần có thể sử dụng cho 4G, 5G trong tương lai cũng như nhanh chóng nâng chất lượng dịch vụ lên ngang tầm thế giới.
 
Hiện Việt Nam đang có khoảng 143 triệu thuê bao di động, trong đó 45% đã đăng ký dịch vụ 3G và 4G. Các báo cáo khảo sát cũng cho thấy có khoảng 72% người Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh. Trong số khoảng 64 triệu người Việt Nam đang sử dụng internet, có 96% sử dụng internet trên thiết bị di động.
 
Như vậy, đối với khách hàng, việc tắt sóng 2G có nghĩa là sẽ không còn dùng được dòng điện thoại “cục gạch”. Hiện nay, số lượng người dùng điện thoại này không nhiều, nhưng đối với người nghèo, ở vùng sâu vùng xa, nơi sóng 3G, 4G chưa đủ mạnh thì việc dùng chiếc điện thoại chỉ nghe, gọi vẫn còn thông dụng. Ngoài ra, việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 30 triệu thuê bao, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của nhà mạng, do đó, cần một phương án khả thi để tránh gây thiệt hại cho nhà mạng và người dùng. Do đó cơ quan quản lý cần sớm xây dựng chính sách trợ giá, hoặc có chính sách đổi máy điện thoại hỗ trợ 3G giá rẻ cho người dùng.
 
Văn Phong (qdnd.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top