Cụ thể, các cấp, các ngành đang tập trung triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đến năm 2030 đưa Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Kết quả giai đoạn đầu
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: TP Cần Thơ với vị thế là trung tâm vùng ÐBSCL, phải đi nhanh, đi trước trong khai thác tiềm năng thế mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số của vùng. Ðến nay, TP Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố đang hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh, phê duyệt Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở Ðề án, các ngành, các cấp xác định nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra.
Lộ trình thực hiện Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh chia thành 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh (IOC) và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh... Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh. Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trung tâm IOC đã vận hành từ năm 2021, với chức năng tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu thành phố trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành; mang đến cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội. IOC còn tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ đô thị thông minh tiện ích nhất…
Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh đã đạt được một số kết quả nổi bật ở các lĩnh vực trọng tâm. Ðó là TP Cần Thơ đã xây dựng hạ tầng ICT - nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh; ICT dùng chung cơ bản được hoàn thiện, các nền tảng phát triển chính quyền số đã được triển khai, trong đó trọng tâm là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung. Về chính quyền số trong đô thị thông minh, cơ bản hoàn thiện các hệ thống dùng chung như hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị kể cả phiên bản di động tích hợp ký số; hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức đến tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố. Ngoài ra, triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ và nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, xã; hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai cho 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận, huyện đến chính quyền cấp cơ sở.
Về quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP Cần Thơ, nền tảng quy hoạch không gian. Lĩnh vực giao thông thông minh, ngành giao thông vận tải đang lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tại TP Cần Thơ đảm bảo khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố và hướng dẫn người dân đi lại thông qua cổng thông tin trực tuyến. Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã thực hiện xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn như cơ sở dữ liệu đất đai tại các quận, huyện; cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, chất thải rắn hiện ngành đang triển khai xây dựng. Về an ninh an toàn trong đô thị thông minh, triển khai các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn; có 4/9 quận, huyện với tổng số 552 đầu camera; 80/83 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “camera phòng chống tội phạm”, với trên 3.500 đầu camera…
Lĩnh vực nông nghiệp thông minh thực hiện các mô hình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp TP Cần Thơ; đẩy mạnh mô hình ứng dụng IoT, truy xuất nguồn gốc nông sản, nông nghiệp; ứng dụng IoT trong phòng, chống thiên tai… Lĩnh vực du lịch thông minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã xây dựng cổng du lịch thông minh; đang xúc tiến xây dựng Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, trang bị hệ thống phần mềm ứng dụng du lịch thông minh. Lĩnh vực y tế thông minh, ngành Y tế đã triển khai thực hiện Ðề án y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố; hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý trạm y tế xã; 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh, đảm bảo kết nối liên thông; triển khai phương án thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh qua điện thoại, website, mạng xã hội.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả
Tháng 10-2022, UBND TP Cần Thơ có Công văn số 4013/UBND-XDÐT yêu cầu các sở, ban ngành thành phố và địa phương tiếp tục tập trung xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy. Theo đó, các sở, ban ngành thành phố và quận, huyện phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết; thúc đẩy triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị thông minh phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tiễn của thành phố.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, hướng tới cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm để Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Ðó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng đô thị thông minh trong nhân dân; phát triển đô thị thông minh trong tổng thể chuyển đổi số, cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh, dịch vụ đô thị thông minh. Ngoài ra, thực hiện quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực theo xu thế chuyển đổi số và thành phố thông minh; phát triển Trung tâm điều hành đô thị thông minh với việc đảm bảo hạ tầng và phần mềm nền tảng điều hành, xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp các nguồn lực đảm bảo công tác quản lý, vận hành. Ðầu tư hạ tầng kết cấu thông minh, các dịch vụ đô thị thông minh: huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng cho đô thị thông minh, trong đó bao gồm hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu. Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số: tập trung đào tạo cán bộ công chức, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin các kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn thực hiện tốt chiến lược xây dựng và phát triển thành phố thông minh…
Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cũng cho rằng: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện đẩy mạnh xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh; nhất là thực hiện theo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả Trung tâm IOC phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số; phát triển các dịch vụ tiện ích đô thị theo hướng thông minh, bền vững, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh.