Tập huấn về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, kết nối chia sẻ dữ liệu, kiến trúc Chính phủ điện tử

Thứ năm, 08/10/2020 14:58

Sáng 8/10, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu, kiến trúc Chính phủ điện tử và quản lý thư rác. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

anh-thutruong-tuan--ok.jpg
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị tập huấn
 
Tham dự Hội nghị có đại diện một số Bộ liên quan, một số đơn vị của Bộ TT&TT, các địa phương tại 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, các Sở/ban/ngành/UBND cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số là góp phần vào tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.
 
"Để đẩy nhanh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, tập trung nguồn lực cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP; trên cơ sở đó ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành... Thời điểm hiện nay, các địa phương đang xây dựng và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thì việc phổ biến, tập huấn cho các cán bộ làm công tác đầu tư, tài chính là cần thiết và kịp thời”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định.
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã khái quát 4 nội dung chính của Hội nghị để các đại biểu tập trung nắm rõ về: Quản lý đầu tư ứng dụng CNTT; Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử và các quy định về chống thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể:
 
Về nội dung thứ nhất, chúng ta đều biết công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong 10 năm qua được thực hiện theo Nghị định 102/2009/NĐ-CP; hoạt động thuê dịch vụ CNTT cũng được triển khai thí điểm theo quy định tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg. Các văn bản này đã đưa hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT đi vào nề nếp và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người đứng đầu các cơ quan nhà nước đối với việc lựa chọn hình thức triển khai ứng dụng CNTT.
 
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự vận động của thực tiễn hoạt động ứng dụng CNTT và sự thay đổi của hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư công đã ảnh hưởng lớn tới nội dung, hiệu lực của Nghị định 102 và Quyết định 80. Do đó, ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN thay thế Nghị định 102 và Quyết định 80. Sự ra đời của Nghị định số 73 đã phần nào đáp ứng mong đợi, kiến nghị của các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương trong thời gian qua, giúp tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành.
 
Để việc triển khai thuận tiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng ban hành 05 Thông tư theo thẩm quyền nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định này.
 
Với nội dung thứ hai, Hội nghị sẽ đi vào yếu tố then chốt, có tính quyết định, đó là yếu tố dữ liệu trên môi trường điện tử. Việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong CQNN được Chính phủ quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020. Nghị định này đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, một văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử. Nếu như các văn bản pháp luật trước đó như Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản dưới luật khác chủ yếu đề cập đến hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thì Nghị định 47 trọng tâm vào dữ liệu số -là nội dung bên trong và yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử.
 
Nội dung thứ ba là Kiến trúc Chính quyền điện tử. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ mới nổi lên, phát triển nhanh chóng và đang được các quốc gia trên thế giới ứng dụng mạnh mẽ trong phát triển Chính phủ điện tử. Để phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta phù hợp với xu thế mới đang phát triển, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đã được Bộ TT&TT nhanh chóng nghiên cứu, cập lên phiên bản 2.0. Đây là căn cứ để các địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử của địa phương mình.
 
Nội dung thứ tư là nội dung các quy định về chống thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Nội dung này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ ban hành tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 và chính thức có hiệu lực ngay từ đầu tháng 10/2020.
 
Nghị định 91 quy định 08 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác bao gồm: Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tư rác, cuộc gọi rác. Đây được coi là khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm sự phiền toái không mong đợi cho các thuê bao di động.
 
anh-hoinhgi-tap-huan-1.jpg
 
Quang cảnh Hội nghị tập huấn
 
Tại Hội nghị, các học viên  được nghe các báo cáo viên truyền đạt định hướng, kiến trúc Chính phủ điện tử; quy trình, thủ tục kết nối chia sẻ các quy định, hướng dẫn về quy trình, thủ tục quản lý đầu tư ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và một số nội dung quản lý nhà nước; một số vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ... Với thời gian làm việc một ngày, các học viên được lắng nghe 06 chuyên đề và tham luận của một số địa phương tiêu biểu.
 
dothithongminh1.jpg
 
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị, các báo cáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm; tập trung cao độ, kinh nghiệm để trao đổi, thảo luận sôi nổi từng nội dung, từng chuyên đề, từng lĩnh vực cụ thể….để Hội nghị đạt được những kết quả thiết thực, bổ ích. Các báo cáo viên ngoài việc truyền đạt những nội dung, kiến thức xúc tích, thiết thực; đối với từng nội dung đề nghị có dẫn chứng; nêu lên những kinh nghiệm thực tế để các địa phương từ đó có nghiên cứu, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cho phù hợp với đặc thù và tình hình trên địa phương mình. Ngoài ra, các đại biểu dự Hội nghị cần trao đổi thêm về kinh nghiệm thực tế về công tác quản lý trên địa bàn, đặc biệt là công tác xây dựng và bảo vệ dự toán; xây dựng và bảo vệ kế hoạch đầu tư công trung hạng để từ đó nâng cao vị thế và nguồn lực cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
 
Phát biểu chào mừng Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho thành phố thông minh, chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
 
Bên cạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử, năm 2017 tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Đề án thành phố thông minh với mục tiêu: Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay, các dự án về lĩnh vực y tế, giao dục, môi trường, chiếu sáng, giao thông thông minh... đang phát huy những hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế trí thức của khu vực./.
PV
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top