Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong tại Việt Nam
Đối với các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: Môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối, và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động... là yếu tố nguy cơ phổ biến.
Tại Hội nghị, ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam cũng chia sẻ một con số đáng báo động về bệnh không lây nhiễm, trên toàn thế giới ước tính có hơn 14 triệu ca tử vong sớm (trước 70 tuổi) vì các bệnh không lây nhiễm. Con số này chiếm đến 43%, gần một nửa tổng số tử vong do bệnh không lây nhiễm. Các nước đang phát triển chiếm gánh nặng chính của các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Các bệnh không lây nhiễm không chỉ tạo gánh nặng lớn về sức khỏe mà còn gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
Đại diện WHO đưa ra dẫn chứng, ước tính mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu lên tới 4,5 tỷ USD. Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.
Theo TS. Angela Pratt, thực tế tại Việt Nam cho thấy, hiện nay giá thuốc lá còn rất rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá có sẵn trên thị trường… mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp lên thuốc lá quá thấp. Hiện nay chưa có sản phẩm nào gây ra tỷ lệ tử vong cao như thuốc lá.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số biện can thiệp mang lại hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng thuế thuốc lá (làm giảm sức mua), cấm hoàn toàn quảng cáo và tài trợ thuốc lá; quy định hạn chế bán rượu; tiến hành các chương trình nâng cao dinh dưỡng và hoạt động thể lực…
"Nếu có thể tăng thuế, chúng ta có thể ngăn ngừa nhiều bạn trẻ không bắt đầu hút thuốc lá và sẽ rất ít khả năng hút về sau này. Việc tăng thuế như tiêm một liều "vaccin" để phòng chống việc hút thuốc", đại diện WHO Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc đẩy mạnh truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá cũng vô cùng quan trọng giúp nâng cao nhận thức cho mọi người về: Các chính sách, pháp luật về phòng chống tác thuốc lá; Tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá, bao gồm các sản phẩm thuốc lá mời (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,...); Lợi ích của môi trường không khói thuốc, cai nghiện thuốc lá.
Bên cạnh đó, nâng cao ý thức tuân thủ của cộng đồng đối với các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc; Tăng cường vai trò của người không hút thuốc (nhắc nhở người hút thuốc hút đúng nơi quy định; vận động người thân, đồng nghiệp bỏ thuốc,…; Thay đổi hành vi của người hút thuốc (không hút thuốc gần mọi người, không hút thuốc tại nơi có quy định cấm, bỏ thuốc…); Quảng bá các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải cho hay, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), WHO, Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông giúp giảm thiểu thiểu các hành vi nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm.
Bà Angela Pratt cũng đánh giá cao vai trò của phóng viên - những đối tác quan trọng trong việc truyền thông, đưa những thông tin chính xác, kịp thời, liên quan về y tế, sức khỏe, đến với người dân. Đặc biệt, với cách đưa tin phù hợp, theo cách thức dễ hiểu, dễ tiếp thu cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe.
ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị
Chia sẻ tại hội thảo, TS.Nguyễn Thị Kim Liên - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe, (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh: "Các bệnh truyền nhiễm dễ làm chúng ta giật mình vì dịch diễn ra rất khẩn cấp. Tuy nhiên, các bệnh không lây nhiễm giết người âm thầm thì chúng ta không để ý. Trong khi số chết do các bệnh không lây nhiễm gấp rất nhiều lần".
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về y tế, dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng của Bộ Y tế, WHO, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã cung cấp cho các phóng viên, biên tập viên các thông tin liên quan đến thực trạng và tác hại của các sản phẩm có hại cho sức khỏe, bao gồm: thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới, đồ uống có đường; mối liên hệ giữa các sản phẩm có hại cho sức khỏe và các bệnh không lây nhiễm; các chính sách hữu hiệu để kiểm soát các sản phẩm này.
Hội nghị cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phóng viên, biên tập viên về kiến thức mới liên quan đến các bệnh lây nhiễm
Thông qua hội thảo, các phóng viên, biên tập viên được cập nhật những thông tin, kiến thức mới liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, từ đó thông qua công tác tác nghiệp viết tin, bài của các phóng viên, biên tập viên sẽ giúp nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân để phòng, chống các yếu tố nguy cơ và dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm./.