Theo Quyết định số 18/QĐ-HĐGSNN, ấn phẩm Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin được tính điểm công trình khoa học trong 02 hội đồng chuyên ngành là: Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin (0,5 điểm) và Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá (0,25 điểm).
Tạp chí An toàn thông tin được tính điểm công trình khoa học của Hội đồng Giáo sư nhà nước từ năm 2020
Thứ bảy, 26/09/2020 10:29
Ngày 30/6/2020, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2020 trong đó có ấn phẩm Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin (Tên tiếng Anh là: Journal of Science and Technology on Information security) của Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Ấn phẩm Nghiên cứu Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin mang tính học thuật, khoa học trong lĩnh vực an toàn thông tin được xuất bản định kỳ. Ấn phẩm nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các vấn đề khoa học - công nghệ chuyên sâu, tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin.
Các bài viết đã đăng trong Ấn phẩm phải đáp ứng yêu cầu chất lượng khoa học và được sự đồng ý của ít nhất 02 chuyên gia thuộc cùng chuyên ngành thẩm định. Quy trình phản biện được tiến hành với hình thức phản biện kín theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hội đồng biên tập của Ấn phẩm là các nhà khoa học uy tín đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong cả nước, đặc biệt là có sự tham gia của các nhà khoa học uy tín quốc tế đến từ Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Cuba, Úc, Nhật Bản.
Các bài báo sau khi được xuất bản sẽ được giới thiệu tóm tắt trên Chuyên trang Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin và website của Tạp chí An toàn thông tin. Bản đầy đủ sẽ được đăng sau khi được xuất bản trên 03 tháng.
Việc được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm khoa học sẽ giúp ấn phẩm Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin thu hút sự quan tâm hơn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng là thách thức để duy trì và nâng cao chất lượng Ẩn phẩm, hướng tới mục tiêu tăng điểm khoa học và vươn ra tầm quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt của Ban Cơ yếu Chính phủ trong đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về bảo mật, an toàn thông tin trong toàn quốc.
Từ khoá: