Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Phạm Đức Long
Góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia
Thứ trưởng cũng nêu rõ 3 quan điểm của dự luật. Một là, quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự luật bảo đảm tính thống nhất với các luật và Điều ước quốc tế có liên quan trong đó bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.
Dự luật tập trung vào 5 nhóm nội dung. Cụ thể là nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, trong đó có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép để tránh độc quyền, tránh tích tụ băng tần.
Với nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số, dự luật lần này bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đồng thời, sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần.
Về sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, dự luật quy định giao các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện đào tạo theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quản lý, giám sát.
Ngoài ra, dự luật cũng tập trung vào nhóm nội dung về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Đồng thời, sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan.
Tương thích với các điều ước quốc tế
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật.
Đi vào nội dung cụ thể về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên giới hạn độ rộng băng tần vì có thể ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn nhà mạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định của dự Luật là tiếp tục kế thừa các quy định của luật hiện hành, đưa ra các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Cạnh đó, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện trong vòng 10 năm qua; đồng thời nghiên cứu quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển.
Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường tán đề nghị kế thừa quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Tuy nhiên, Chính phủ cần quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như Luật hiện hành, tuy có quy định về đấu giá nhưng không thực hiện được.
Về quy định việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với ý kiến không thống nhất với quy định của dự thảo luật và cho rằng việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản.
Hiện nay, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định chung về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá, chi phí, đấu giá viên, tổ chức đấu giá… đối với các loại tài sản, bao gồm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Nếu dự thảo Luật quy định một số nội dung về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá, thì có thể tạo ra 2 cơ chế pháp lý về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đó là theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, quy định như dự luật sẽ dẫn đến khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì đối tượng chịu sự tác động của văn bản sẽ không biết phải áp dụng theo quy định pháp luật nào.
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đề nghị hoàn thiện theo hướng: Việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị bổ sung quy định việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vào dự luật và sửa đổi tên Điều 31 cho phù hợp với nội dung của điều luật.
Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự luật.