Điển hình nông dân “sành” công nghệ
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều nông dân thời 4.0 của Vĩnh Phúc đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.
Điển hình như mô hình trồng rau quả sạch trong nhà kính công nghệ cao của 2 nông dân trẻ Nguyễn Thái Phi và Tạ Văn Hiệp ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc với tên gọi nông trại HPfam. Được thành lập từ năm 2017, theo hướng ứng dụng công nghệ cao từ số vốn hàng tỷ đồng tích cóp được sau những năm đi xuất khẩu lao động nơi xứ người, 2 chàng trai trẻ đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà kính với đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp cây trồng tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt hơn gấp nhiều lần cách làm nông nghiệp truyền thống. Sau gần 5 năm, đến nay, nông trại HPfam đã xây dựng được 4 nhà kính với tổng diện tích hơn 3.000 m2, không chỉ trồng các loại rau quả thông thường mà còn trồng các loại trái cây giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, mô hình cho thu nhập 600 đến 700 triệu đồng.
Theo phân tích của anh Hiệp, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm, đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được “ăn” một lượng nước vừa đủ, không gây lãng phí nước và dù người nông dân không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất thì việc chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.
Chủ động đổi mới, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi cung ứng thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cũng là cách mà Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên thực hiện nhiều năm qua để đưa sản phẩm của mình tới gần hơn với người tiêu dùng. Trên diện tích 15.000m2, Công ty đã xây dựng trang trại chăn nuôi được thiết kế và chia từng khu riêng biệt với bốn dãy chuồng nuôi lợn và đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại có hệ thống làm mát hoạt động theo cơ chế tự động, bảo đảm cung ứng nguồn thịt lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, Công ty tập trung đổi mới công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty chia sẻ, nếu chăn nuôi theo quy trình truyền thống, các trang trại sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, thức ăn, thuốc men còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi con lợn, đặc biệt là lợn nái được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát chặt chẽ, không hao phí. Đối với lợn thịt, lợn giống thương phẩm đến kỳ xuất bán, thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, chốt giá, lợn sẽ được đưa ra giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ theo vòng tròn khép kín. Trong bối cảnh dịch bệnh trên người và vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ có chăn nuôi sạch, khép kín theo quy trình hiện đại thì mới có lãi và an toàn.
Ngoài 2 mô hình kể trên, nhờ sự chủ động, mạnh dạn thay đổi, quyết tâm đầu tư tìm ra hướng đi mới hiệu quả trong nông nghiệp của người nông dân, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, dần bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Hiệu quả thiết thực nhất đem lại cho họ khi thay đổi phương thức sản xuất này là nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình. Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa. Đến kỳ thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua; doanh nghiệp thu mua cũng như người tiêu dùng chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản lượng rau, củ hay chất lượng các con vật nuôi tại nhiều nông trại, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được nâng lên, giá thành sản phẩm cũng được đẩy lên cao so với trước. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có trên 240 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hàng nghìn sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã được đưa lên sàn thương mại điện tử; một số sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tạo đà giúp nông dân đón vận hội mới
Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch dài hơi cho từng ngành, lĩnh vực và nông nghiệp chính là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân làm nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử… để đón vận hội mới từ chuyển đổi số.
Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm, theo chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Đến hết năm 2021, tại tỉnh đã có khoảng 32.000 hộ nông dân được tạo tài khoản bán hàng, hơn 200 tài khoản thanh toán trực tuyến được tạo lập và trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp được kết nối, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (postmart.vn) và sàn thương mại điện tử của Công ty Bưu chính Viettel (voso.vn). Không chỉ vậy, tham gia sàn thương mại điện tử, các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cũng cung cấp các thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Hay trong chương trình OCOP, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng các sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phúc, theo Quyết định số 53 về Quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh, các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, bao gồm cả chi phí đăng ký và thiết kế nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị, cá nhân tham gia chương trình OCOP cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí trong quá trình tham gia gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ; chi phí xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 60 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao, tạo ra cơ hội để người nông dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản địa phương trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực này còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị, nhất là thiết bị tự động, số hóa, thiết bị phân tích còn thiếu. Trong khi đó, nhiều người dân và cả doanh nghiệp đang thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp như: Cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm… vẫn chưa tương xứng với công nghệ số.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện ứng dụng số hóa cho lĩnh vực nông nghiệp, Sở sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số. Trước mắt, là đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành giúp nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, kết nối với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhằm cải thiện, thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Sở cũng sẽ tập trung xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành; trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Vĩnh Phúc và các sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số./.