ảnh minh họa
Tại hội thảo về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam vừa diễn ra, ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta có giảm (từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% vào năm 2020) nhưng mức giảm không đáng kể so với mong muốn.
Bà Trang cũng cho biết, biện pháp được đánh giá là hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ người sử dụng là thuế thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công cụ này tại nước ta đang chưa đủ mạnh bởi Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8%. Con số này thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan là 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.
Bên cạnh đó, phương pháp tính thuế theo thuế tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng có nhiều hạn chế, như tăng khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, khuyến khích sản xuất các mặt hàng thuốc lá giá rẻ, khó xác định giá thực của sản phẩm để tính thuế dẫn đến tạo kẽ hở cho việc chuyển giá của nhà sản xuất dẫn đến giảm thu ngân sách.
Ngoài ra, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá các lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam trong những năm gần đây không đem lại tác động đáng kể đến giá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá do mức tăng thuế thấp và thời gian tăng thuế kéo dài.
"Giá thuốc lá tại nước ta quá rẻ nếu so với thu nhập. Trong khi đó, lộ trình tăng thuế thuốc lá quá chậm, mức tăng thuế lại không đủ khi giá mỗi bao thuốc chỉ tăng 300-500 đồng, một con số quá nhỏ. Cũng vì tăng chậm lại quá nhiều nên tác động của chính sách thấp", ThS Sơn nói.
Ths Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam cũng cho biết tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ.
Trước đó, hồi tháng 8/2022, tại Hội thảo Chính sách Thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho rằng, cần nghiên cứu tính toán có lộ trình điều chỉnh cả thời gian tăng và mức tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá.
Cụ thể, theo bà Cúc, việc hạn chế sử dụng sản phẩm thuốc lá cũng như rượu bia có tác động một phần bởi chính sách điều tiết tăng thuế chứ không phải tất cả.
Dẫn chứng về việc này, bà Cúc cho hay, từ năm 1990 thuế TTĐB của thuốc lá là 50%, năm 2021 là 75% là mức tăng tương đối nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá của Việt Nam vẫn cao gần nhất thế giới.
Theo bà Cúc, để hạn chế sử dụng thuốc lá cần phải thực hiện hàng loạt việc như tuyên truyền tác hại của thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện các biện pháp tài chính trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá; điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá.
Theo đó, đối với việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB với thuốc lá, Chủ tịch VTCA cho rằng cần nghiên cứu tính toán có lộ trình điều chỉnh cả thời gian tăng và mức thuế tăng.
Cụ thể, hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp tương đối và tuyệt đối thì ngoài thuế suất tương đối 75% có thể tính thêm thuế tuyệt đối 1.000đ/bao. Hai năm tiếp theo sẽ nâng dần thuế tuyệt đối lên 1.500 đ/bao. Từ năm thứ 5 nâng lên 2.000 đồng/bao.
Theo tính toán của VTCA, nếu thêm số thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao tiền thuốc thuế TTĐB đối với thuốc lá bình dân, thấp cấp phân khúc 1 (giá bán 10.000 đ) tăng 46%, thuốc lá ở phân khúc 2 (giá bán 20.000 đ) tăng trên 23,3%, thuốc lá cao cấp ở phân khúc 3 (giá bán 30.000 đ) tăng 16%.