Đặc biệt, trong bối cảnh cơn bão số 4 Noru vừa mới đi qua, ảnh hưởng lớn đến 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Ban tổ chức diễn đàn đã kết nối trực tuyến với các phóng viên đang có mặt tại hiện trường khắc phục hậu quả bão lũ ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị và Nghệ An.
Những năm qua, báo chí đã cơ bản chuyển tải được tinh thần, chủ trương xử lý vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các chuyên gia góp ý rằng các ngành chức năng cần xây dựng kho dữ liệu chung trên mạng dành cho nhà báo và người dân về chủ quyền biển đảo; học hỏi kinh nghiệm báo chí các nước khác, đổi mới cách tuyên truyền sao cho bình dị, nhẹ nhàng để công chúng dễ tiếp nhận. Đồng thời, việc thông tin, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng cần đổi mới sao cho vừa liên tục, vừa hiệu quả và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi.
Tại diễn đàn, đại diện Báo Người Lao Động đã chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay là chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc") mà Báo Người Lao Động đã thực hiện từ năm 2019 đến nay với nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, đại diện của báo nhấn mạnh kinh nghiệm tổ chức sự kiện trao cờ cho ngư dân đi đôi với truyền thông hiệu quả, cũng như sự phối kết hợp với các tổ chức, lực lượng Quân đội để chương trình vừa có thể tổ chức được trên diện rộng, vừa đi vào chiều sâu trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo./.