Tăng cường “sức đề kháng” cho đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ sáu, 17/12/2021 14:08

Tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những biện pháp được Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác đảng ngoài nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đang diễn ra tại Hà Nội.

le-hai-binh.jpg

Đồng chí Lê Hải Bình trả lời báo chí bên lề hội nghị.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (CTTT) đối với đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

Đồng chí Lê Hải Bình: Trong suốt lịch sử phát triển, Đảng ta luôn nhấn mạnh và hết sức coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Một trong những nhiệm vụ rất căn bản là công tác giáo dục CTTT, coi đây là nền tảng của nhiệm vụ “xây” trong mối quan hệ giữa “xây” và “chống”. Trên thực tế, trong công tác phòng chống, đấu tranh các quan điểm sai trái, có lúc, có nơi vẫn còn thụ động.

Vì vậy, giáo dục CTTT là tăng cường “sức đề kháng”, là nền tảng trong công tác đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái.

Trong tổng thể công tác này, việc giáo dục CTTT cho đảng viên, quần chúng là người Việt Nam ở nước ngoài hết sức quan trọng. Có một số biện pháp, nhiệm vụ cụ thể mà tôi nghĩ cần mạnh dạn ứng dụng trong thời gian tới để thực hiện đúng theo tinh thần mà Đảng đề ra là làm sao cho công tác Đảng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả hơn nữa.

Thứ nhất, coi trọng cái “gốc”. Công tác giáo dục CTTT cho cán bộ đảng viên phải được làm từ “gốc”, tức là ngay từ các tổ chức cơ sở đảng ở trong nước, chứ không phải đợi ra nước ngoài mới làm, từ đó tăng cường nhận thức sâu sắc, thói quen rèn luyện, giáo dục CTTT cho đảng viên, quần chúng. Nói cách khác là tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ đảng viên ngay từ khi còn ở trong nước.

Thứ hai, tăng cường nắm bắt tình hình dư luận, điều chỉnh, đổi mới phương thức giáo dục CTTT cho cộng đồng người Việt Nam ở các địa bàn khác nhau. Trình độ phát triển, đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau đòi hỏi chúng ta phải hết sức linh hoạt trong công tác này.

Thứ ba, đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền đối ngoại cho đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài, bởi lẽ những người xa quê hương tiếp cận tình hình đất nước chủ yếu qua báo chí, truyền thông. Nếu có quá nhiều thông tin tiêu cực, thông tin thiếu tính xây dựng trên báo chí thì dù có giáo dục CTTT đến đâu chúng ta cũng vẫn gặp khó khăn.

Thứ tư, công tác giáo dục CTTT, nhất là công tác quán triệt chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, phải hết sức sáng tạo, tránh bê nguyên văn kiện, nghị quyết để quán triệt cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân; phải phù hợp với thực tiễn, linh hoạt sáng tạo để cho mỗi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng gắn với một biện pháp, chính sách nào đó rất thiết thân với lợi ích của bà con.

Trong tổng thể công tác đấu tranh trước các luận điệu sai trái, thù địch, chúng ta cần chủ động, lôi cuốn, thuyết phục bà con ở nước ngoài cùng tham gia vào thế trận toàn dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nói cách khác, chúng ta vận dụng sức mạnh đại đoàn kết và tập hợp lực lượng để đấu tranh được chủ động, hiệu quả nhất.

Chúng ta đang có nền tảng quan trọng là cơ đồ, tiềm năng, vị thế, uy tín của đất nước. Hơn nữa, công tác Đảng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các cơ quan ở trong nước với các tổ chức, cơ sở đảng ở nước ngoài ngày càng chặt chẽ hơn. Tôi xin nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của Đảng ủy Bộ Ngoại giao và các cấp ủy ở ngoài nước trong công tác cụ thể hóa các kế hoạch và công tác phối hợp này.

PV: Nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan có nhận xét rằng, đây là hội nghị chuyển giao thế hệ những người sinh trước đổi mới, tham gia đổi mới cho thế hệ những người sinh trong và sau đổi mới để làm nên một đổi mới thứ hai. Đồng chí đánh giá thế nào về nhận xét này?

Đồng chí Lê Hải Bình: Đây là ví dụ cụ thể của công tác cán bộ trong cả nước nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng. Những thế hệ trải qua thời kỳ gian khổ của chiến tranh, trưởng thành trong các thời kỳ trước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong cơ cấu của Trung ương, thế hệ 7X chiếm tỷ lệ phần trăm nhiều hơn.

Tôi nghĩ rằng, với tư duy và sức trẻ, thế hệ này tiếp tục gánh vác nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho và được các vị tiền bối truyền lại. Điều quan trọng là, trong công tác của Đảng, Đảng ta luôn coi trọng các thế hệ. Ngay cả công tác quy hoạch cũng có các thế hệ, lứa tuổi khác nhau. Đó là sự kế thừa giữa một thế hệ đàn anh vững vàng, phát huy cao độ sức chiến đấu, sức làm việc trí tuệ với một thế hệ đang tiếp tục rèn luyện, học hỏi.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

PHƯƠNG VŨ (ghi)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top