Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Chung cho biết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật số 67/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Luật đã quy định tăng mức phạt tối đa, bổ sung mức phạt của một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực in lên 100 triệu đồng; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Triển khai kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật theo thẩm quyền, Bộ TT&TT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội nghị
Theo đó, Nghị định 119/2020/NĐ-CP nêu rõ, các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản bao gồm vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động xuất bản; vi phạm quy định về quy trình, thủ tục trong hoạt động xuất bản; vi phạm quy định về nội dung xuất bản ấn phẩm; vi phạm quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm và ghi thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm; vi phạm quy định về nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam; vi phạm quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản; vi phạm quy định về hoạt động in xuất bản phẩm; vi phạm về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm; vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm; vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành xuất bản phẩm điện tử; vi phạm quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ thông tin, báo cáo trong hoạt động xuất bản.
Các trường hợp vi phạm tùy vào mức độ sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất lên tới 200 triệu đồng.
Trong lĩnh vực thông tin trên mạng, Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt đối với chức danh Chánh Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông. Khắc phục toàn bộ những vướng mắc về thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở TT&TT và Chủ tịch UBND các cấp trong Nghị định 15 trước đây. Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp do thực hiện hành vi vi phạm quy định; Buộc nộp lại Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp…
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Phát biểu kết luận hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chia sẻ, việc phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản, thông tin trên mạng là vấn đề cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Chánh Thanh tra Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện các dấu hiệu vi phạm từ sớm để chấn chỉnh, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Nghị định đến các đối tượng quản lý để chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm./.