Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một kênh truyền thông của cá nhân mình. Với tính năng "chia sẻ", "bình luận" và "lan truyền" thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, mạng xã hội đã đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng. Việc sử dụng các trang mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ mang đến hiệu quả rất lớn cả trong đời sống xã hội cho mỗi người, đồng thời là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục. Trên thực tế, có rất nhiều thông tin được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội giúp cơ quan chức năng phát hiện được những vấn đề nổi cộm, những sự việc bất bình dư luận. Từ đó kịp thời tuyên truyền, đưa ra các giải pháp hữu hiệu cũng như xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình là vụ việc làm nhục người khác xảy ra tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện, thuộc địa bàn phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh vào tháng 8 năm 2020. Thông tin và clip được chia sẻ lên mạng xã hội facebook đã gây bức xúc, phẫn nộ dư luận quần chúng đối với hành vi lăng mạ, làm nhục người khác của chủ quán này với một cô gái là khách hàng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, bắt giữ kịp thời đối tượng về hành vi làm nhục người khác.
Bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái, mặt tiêu cực do tác động của mạng xã hội cũng không nhỏ. Tại tỉnh Bắc Ninh, những thông tin xấu độc, sai sự thật, bóp méo, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân… vẫn xảy ra trên mạng xã hội, nhất là trên các trang fanpage mạng xã hội facebook. Đặc biệt, những thông tin, hình ảnh có nội dung không lành mạnh, đưa ý kiến theo quan điểm cá nhân không khách quan còn xuất hiện trên mục bình luận của các trang fanpage hiện chưa kiểm soát được một cách toàn diện. Vấn đề này không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh mà còn trên phạm vi cả nước, nhất là trên các fanpage của các cơ quan báo chí trung ương có lượng tương tác lớn.
Trước những mặt trái, mặt tiêu cực của mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản liên quan đến việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những thông tin xấu độc trên không gian mạng; ban hành “Phương án xử lý khủng hoảng truyền thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Đồng thời, phối hợp định hướng các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phản biện, phản bác kịp thời các thông tin bịa đặt, sai trái; tuyên truyền công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng… Mặt khác, Sở phân công cán bộ thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng xã hội, ứng dụng phần mềm Reputa để theo dõi, tổng hợp dư luận xã hội đối với từng vụ việc cụ thể. Qua đó, nắm bắt kịp thời những thông tin sai trái, bịa đặt, từ đó tham mưu chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền các bài viết mang tính định hướng dư luận.
Những biện pháp tích cực được triển khai trong thời gian qua đang mang lại kết quả bước đầu tích cực. Người dân khi sử dụng mạng xã hội nâng cao ý thức hơn, hạn chế sự tùy tiện đưa những thông tin không chính xác, bịa đặt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra trong công tác quản lý thông tin. Thực tế cho thấy, thông tin trên mạng xã hội thường có sớm hơn thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội lại đưa tùy hứng, chưa qua kiểm duyệt, thẩm định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi đối tượng vi phạm dễ dàng xóa dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Để làm tốt công tác quản lý thông tin, định hướng dư luận trên mạng xã hội, thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu, định hướng các cơ quan truyền thông đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội để mỗi người dân thấy rõ tính hai mặt của nó. Đối với những vụ việc lớn, nhạy cảm dễ nảy sinh thông tin trái chiều, lực lượng chức năng, nhất là cơ quan chủ quản trực tiếp thụ lý, giải quyết vụ việc đó cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận. Bên cạnh đó, Sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, theo dõi thông tin trên mạng xã hội nhằm phát hiện những thông tin tiêu cực, thiếu chính xác để thực hiện các biện pháp tuyên truyền định hướng dư luận kịp thời; phối hợp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình đưa tin xuyên tạc, sai sự thật.
Thời gian gần đây, Sở phối hợp với các đơn vị chức năng xác định và cung cấp thông tin, tài liệu, ngăn chặn, xử lý kịp thời gần 20 tài khoản facebook có nội dung sai trái, bịa đặt, gây kích động, nói xấu cơ quan nhà nước; xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín của người khác, gây hoang mang nhân dân. |