Các vấn đề liên quan tới chính sách, quản lý, thanh tra, bảo đảm an toàn bức xạ; phí, lệ phí ... về tần số vô tuyến điện (VTĐ) thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 26/10.
Dự thảo Luật tần số VTĐ có 8 Chương và 48 điều, đã được Quốc hội xem xét và thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII và tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Điều 4 của dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên bổ sung các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số VTĐ cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…Bên cạnh đó, bổ sung quy định về bắt buộc áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao để thúc đẩy phát triển công nghệ và sử dụng hiệu quả tần số VTĐ. Đồng thời, cần nêu rõ hơn các ưu tiên về phát triển nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) và một số đại biểu khác, dự thảo Luật nên làm rõ hơn điều 6 về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện; đề xuất nếu cần thiết thì tách thành một điều riêng và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, trong đó có trách nhiệm phối hợp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ.
Quản lý chặt chẽ tần số VTĐ
Các đại biểu nói trên cho rằng, tần số VTĐ là tài nguyên quan trọng đặc biệt. Hoạt động quản lý tần số VTĐ không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng… Vì vậy, việc xây dựng một cơ quan quản lý chuyên ngành có vị trí pháp lý và năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ đủ mạnh là cần thiết; đồng thời cũng là để đảm bảo sự ổn định lâu dài của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Điều 7 về thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện, một số đại biểu đề nghị không quy định tổ chức này trong Luật mà thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị đối với thanh tra chuyên ngành về tần số VTĐ có thể quy định trong Luật, nhưng chỉ mang tính định hướng, tạo điều kiện cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định. Không nên quy định quá cụ thể, trong khi Luật Thanh tra đang trong quá trình sửa đổi.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) và một số đại biểu đóng góp ý kiến cho Điều 31 quy định về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; cho rằng việc quản lý tần số VTĐ phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia, sử dụng tần số vô tuyến điện phải chịu thuế giống các dạng tài nguyên khác như đất đai, nước, khoáng sản... đồng thời, đề nghị cần làm rõ hơn nữa các quy định về phí và lệ phí cũng như các cơ quan quy định về mức phí, lệ phí...
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung định nghĩa về “tần số vô tuyến điện”, “cấp cơ quan quản lý”, “cấp nhà khai thác”, “can nhiễu”... đề nghị nên xây dựng quy định một điều riêng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ; quy định rõ hơn về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện (Điều 14) nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực của bức xạ vô tuyến điện đối với sức khỏe người dân.