Tận dụng cơ hội, bứt phá vươn lên, đóng góp cho sự phát triển quốc gia

Thứ sáu, 30/10/2020 09:48

Đó là nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2020 tại Hà Nội chiều ngày 29/10/2020.

 20203010giang2.JPG

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 
Tham dự Hội nghị có các Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, hội nghề nghiệp thuộc ngành TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại Bộ TT&TT, Văn phòng Bộ ở Đà Nẵng và TPHCM.
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng đã ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp viễn thông trong việc đảm bảo thông tin liên lạc từ các cơ quan chính quyền đến người dân địa phương tại những vùng bị ảnh hưởng mưa lũ trong thời gian qua, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 (Molave). Nhưng cũng rút kinh nghiệm trước những thiệt hại do bão lũ gây ra vừa qua, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông cần nhanh chóng bàn, phối hợp ngay với các nhà mạng xây dựng kế hoạch bảo đảm roaming 3 nhà mạng lớn nhất (Viettel, Vinaphone, MobiFone); tìm ra những giải pháp, lập kế hoạch hành động nhằm bảo đảm mỗi xã có ít nhất một trạm phát sóng kiên cố hoạt động thông tin liên lạc thông suốt trong bão lũ, giảm thiểu thiệt hại và trình Bộ trưởng ngay trong tháng 11/2020. Cùng với đó các đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành cần tiếp tục tổ chức các hoạt động thiết thực nhất để ủng hộ đồng bào vùng bị lũ lụt.
 
Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, trong dịch Covid lần 2 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, ngành TT&TT đã có sự tham gia tích cực và hiệu quả, cả về công nghệ và truyền thông. Phần mềm Bluezone với 23 triệu lượt cài đặt là một thành quả lớn và không thể không kể đến vai trò to lớn trong đại dịch của hệ thống báo chí, truyền hình, viễn thông, mạng xã hội Việt Nam cũng như hệ thống thông tin cơ sở. Cục Tin học hóa cần tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân tiếp tục cài đặt, sử dụng ứng dụng này đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.
 
Cần nhiều những “lần đầu tiên” để bứt phá
 
Trong quý III/2020 Bộ TT&TT đã căn bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được đề ra trong kế hoạch. Sự kiện nổi bật đáng chú ý nhất thu hút được sự quan tâm của làng ICT thế giới đó là Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Thế giới số ITU Digital World 2020 diễn ra trong ba ngày từ 20-22/10/2020 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên sau 50 năm, Triển lãm lớn nhất thế giới của ITU được tổ chức tại Việt Nam. Và điều đặc biệt là theo đề xuất của Việt Nam, ITU đã đồng thuận cao khi quyết định đổi tên Triển lãm Viễn thông thế giới thành Triển lãm Thế giới số. Đây là điều hết sức có ý nghĩa đối với tương lai, không chỉ đơn thuần là đổi tên mà bao hàm cả xu hướng phát triển, sự hội tụ tất yếu của cả Viễn thông, CNTT và Công nghệ số. Và khi đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới khắp toàn cầu thì cũng theo đề xuất của Việt Nam, ITU cũng quyết định lần đầu tiên tổ chức Triển lãm lớn nhất thế giới của mình bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ Make in Vietnam tại địa chỉ https://digitalworld2020.vn. Vượt lên trên tất cả những thách thức, bất cập của đại dịch Covid, sự tham dự của 30 Bộ trưởng, 20 Thứ trưởng từ 50 quốc gia cùng hàng trăm lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia cùng hơn 150 gian trưng bày virtual của các hãng hàng đầu thế giới tham gia trưng bày, tham dự các phiên thảo luận quan trọng có tính chất dẫn dắt ngành viễn thông thế giới trong những năm sắp tới đã khẳng định uy tín và vị thế của ngành Thông tin & Truyền thông Việt Nam trên thế giới. Người quan tâm từ gần 150 quốc gia đã tham dự, xem các phiên thảo luận và thăm các gian hàng ảo. Cũng qua việc lần đầu tiên tổ chức thành công triển lãm và Hội nghị Thế giới Số 2020, chúng ta cần tiếp tục quyết tâm, kiên định mục tiêu dẫn đầu, lãnh đạo trong một số lĩnh vực mũi nhọn như VT, ATTT, CNTT trong khu vực ASEAN và thế giới. Chỉ có đi đầu, đi trước thì chúng ta mới thay đổi được thứ hạng, mới trở thành nước phát triển – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
 
Tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép
 
Về các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong quý IV/2020, Bộ trưởng mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành tập trung hoàn thành kế hoạch 2020 và chuẩn bị định hướng, kế hoạch cho năm 2021. Các doanh nghiệp trong Ngành cần tận dụng các cơ hội mới để bứt phá vươn lên, đạt tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng GDP của cả nước. Về Bưu chính, cần hoàn thiện hệ thống mã địa chỉ bưu chính, đảm bảo chính xác đến tất cả hộ gia đình. Về Viễn thông, cần tập trung thử nghiệm thương mại 5G tại một số thành phố lớn trong tháng 11/2020, từ đó các doanh nghiệp tìm ra các mô hình kinh doanh và triển khai diện rộng từ 6/2021. Về ứng dụng CNTT, cần hoàn thành chỉ tiêu 30% DVCTT mức độ 4 vào cuối năm 2020, 100% nền tảng được kết nối chia sẻ dữ liệu; Từng tổ chức, từng ngành, từng địa phương cần phải có chiến lược chuyển đổi số của riêng mình, từ đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Báo chí cũng cần tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số. Trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), cần cố gắng phấn đấu 100% hệ thống được bảo vệ 4 lớp, đến cuối năm 2020 đạt 90% sản phẩm trong hệ sinh thái ATTT là "Make in Vietnam". Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có đầy đủ sản phẩm ATTT trong hệ sinh thái ATTT. Phát triển hệ thống kỹ thuật bảo đảm giám sát, bảo đảm giám sát, xử lý an toàn thông tin trên không gian mạng.
 
Về công nghiệp ICT, trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác giữa tập đoàn Viettel và Vin Group để sản xuất loạt thiết bị 5G năm 2021.
 
Lĩnh vực Báo chí truyền thông bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt là khơi dậy niềm tin, khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, kiểm soát tốt thông tin trên không gian mạng bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc, hoàn thành quy hoạch báo chí cũng như tập trung tuyên truyền về chuyển đổi số quốc gia.
 
Đổi mới tư duy quản lý nhà nước qua những cách làm mới
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định những điểm mới của hoạt động xây dựng chính sách pháp luật của Bộ trong thời gian vừa qua và sắp tới. Đó là trong quá trình dự thảo các văn bản quy định pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ đều có trách nhiệm tham vấn ý kiến các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, người dân. Nếu vẫn còn những ý kiến khác biệt thì phải tổ chức cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Bộ và các bên liên quan để cùng thảo luận tìm giải pháp phù hợp.
 
Cho rằng xây dựng thể chế không phải là độc quyền của Nhà nước, do vậy, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần phải có bộ phận nghiên cứu, phản biện và đề xuất chính sách và các đơn vị của Bộ TT&TT phải coi lực lượng này tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội là thuộc mạng lưới của mình; Khi đó, nguồn lực sẽ được cộng hưởng mang lại giá trị rất lớn.
 
Quản lý nhà nước phải có tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, định hướng, hướng dẫn cho từng lĩnh vực. Bộ TT&TT và các Sở sẽ cùng triển khai các công tác này, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Để đẩy nhanh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, trong thời gian tới Bộ sẽ công bố công khai các nền tảng đạt chuẩn, công bố giá cơ sở tham khảo cho một số ứng dụng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ ngành, tỉnh thành sử dụng các nền tảng tin cậy với chi phí hợp lý.
 
Bộ trưởng khẳng định: từng đơn vị, tổ chức, từng ngành, từng địa phương phải có chiến lược Chuyển đổi số để đẩy nhanh CĐS quốc gia, toàn dân và toàn diện. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nên xây dựng chiến lược CĐS của mình ngay trong năm 2020 và ngành TT&TT phải là Ngành đi đầu trong công cuộc CĐS.
 
Nhắc lại quan điểm “Việc khó thì đẩy lên trên”, Bộ trưởng cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề mới mang tính định hướng cho sự phát triển của Ngành như: Nền tảng số Việt Nam (chủ trương phát trển các nền tảng Việt Nam, Ngày thứ 6 công nghệ...), Thống nhất hệ thống giải thưởng trong Ngành; Định hướng sự hợp tác trong ngành; Hợp tác chia sẻ hạ tầng; Phát triển các công nghệ số theo hướng mở (Công nghệ 5G mở, Nền tảng số Open Source); Thống nhất Viễn thông, CNTT, Công nghệ số, 3 lĩnh vực này không độc lập mà là sự tiến hoá. Viễn thông thành CNTT, từ CNTT thành công nghệ số và kết hợp 3 sức mạnh này để thúc đẩy CĐS.
 
Về vai trò của báo chí – truyền thông, báo chí không chỉ tạo sự đồng thuận xã hội, nay báo chí còn có sứ mệnh lớn hơn, đó là truyền đến người dân khát vọng về một Việt Nam phồn vinh hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, khát vọng về một Việt Nam là nước phát triển vào năm 2045, Bộ trưởng nhấn mạnh./
 
 
Một số kết quả nổi bật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT trong quý III/2020
 
Trong lĩnh vực Bưu chính, sau giai đoạn giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp Bưu chính đã có những khởi sắc trong hoạt động cung cấp dịch vụ và đều có kết quả tăng trưởng. Doanh thu bưu chính chuyển phát 9 tháng đầu năm 2020 đạt 23.3 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ 2019).
 
Trong lĩnh vực viễn thông, tính đến hết tháng 9/2020, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông luỹ kế đến tháng 9/2020 đạt gần 98 nghìn tỷ đồng, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu viễn thông của tháng 9/2020 đạt 10.844 tỷ, trong đó: doanh thu di động tháng 9/2020 đạt 7,366 nghìn tỷ, doanh thu cố định tháng 9/2020 đạt 3,370 nghìn tỷ.
 
Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/10/2020, giá trị xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 73,6 tỷ USD, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 39,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 34,2 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, tạo nên sự tăng trưởng của lĩnh vực.
 
 
PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top