Phát biểu tại lễ công bố và bổ nhiệm chiều qua, 15/6, Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Đức Long cho hay, đây vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề trước Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông và tập thể cán bộ Đảng viên, người lao động của VNPT.
Theo Quyết định số 818/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/6/2020, ông Phạm Đức Long, Thành viên Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT giữ chức Chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT. Lễ công bố và bổ nhiệm vừa được tổ chức vào chiều nay, 15/6 tại Trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Ông Phạm Đức Long sinh năm 1970, trở thành cán bộ của VNPT từ năm 1992. Trong quá trình công tác tại Tập đoàn VNPT, ông Long đã trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng tại Tập đoàn VNPT. Khi công tác tại Bưu điện TP Hồ Chí Minh trước đây và nay là VNPT TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Long đã được Lãnh đạo VNPT tin tưởng và giao đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng của VNPT TP Hồ Chí Minh, một đơn vị lớn của Tập đoàn như Trưởng phòng Viễn thông, Phó Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 12/2013, ông Long đã được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT; và Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT từ tháng 4/2015. Từ ngày 1/11/2019, ông Phạm Đức Long được giao phụ trách Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT.
Ở bất cứ cương vị công tác nào, ông Phạm Đức Long đều có những cống hiến với nhiều thành tích nổi bật trong sự phát triển của Tập đoàn VNPT.
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả
Từ 03/2009 đến 04/2012, với cương vị là Phó Giám đốc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh phụ trách kinh doanh, ông Phạm Đức Long đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển thuê bao điện thoại cố định và các dịch vụ khác; chỉ đạo thực hiện một số chương trình khuyến mãi để tạo hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn doanh nghiệp phải chịu áp lực cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.
Với cương vị là Phó Giám đốc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Long đã trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực kinh doanh trên tinh thần bám sát các chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đưa bộ máy vận hành hiệu quả. Dịch vụ Vinaphone trả sau thu hút nhiều khách hàng phát triển mới; đẩy mạnh chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng cho khách hàng doanh nghiệp lớn. Dịch vụ MegaVNN tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt hướng khách hàng vào sử dụng dịch vụ trọn gói nhằm tăng ARPU dịch vụ. Dịch vụ FiberVNN tăng trưởng mạnh so cùng kỳ, đồng thời đã có những dấu hiệu tích cực với các chính sách đón đầu khách hàng hộ gia đình qua các gói cước mới. Hiệu quả của nhiều chính sách thu hút và chăm sóc khách hàng lớn đã góp phần đẩy mạnh việc tăng doanh thu hàng năm của Viễn thông TP Hồ Chí Minh.
Từ tháng 04/2012 -12/2013, với cương vị là Giám đốc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Long đã chỉ đạo xây dựng các chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, kinh doanh, đầu tư..., giúp đơn vị toàn lực hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu, chênh lệch thu chi, trong đó các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận đều có sự tăng trưởng cao. Với vai trò Giám đốc, ông Phạm Đức Long đã cùng Ban Giám đốc thực hiện chỉ đạo xây dựng bản đồ chiến lược của Viễn thông Thành phố và các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2013-2015 phù hợp với tình hình thị trường và môi trường cạnh tranh trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở bản đồ chiến lược, Viễn thông TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống thẻ cân bằng nhằm biến chiến lược thành hành động phục vụ cho công tác quản trị chiến lược, điều hành sản xuất kinh doanh. Với những nỗ lực đó, dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của ông Phạm Đức Long, ba năm 2010, 2011, 2013, viễn thông TP. Hồ Chí Minh đã đạt Cờ Thi đua xuất sắc của Chính Phủ; Năm 2012, Viễn thông TP. Hồ Chí Minh đạt Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vững lái “con tàu” VNPT vượt qua những thời khắc lịch sử
Giai đoạn từ tháng 12/2013 đến trước 1/11/2019, ông Phạm Đức Long đã được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc và là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; rồi Tổng Giám đốc Tập đoàn. Từ ngày 1/11/2019, ông Phạm Đức Long đảm nhận thêm các vị trí Phó Bí thư Đảng ủy Phụ trách Đảng bộ Tập đoàn VNPT và Phụ trách Hội đồng thành viên VNPT.
Với vai trò là Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng Giám đốc và là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong điều kiện môi trường kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, ông Phạm Đức Long đã có rất nhiều cố gắng cùng với các đồng chí Lãnh đạo Tập đoàn VNPT và tập thể CBCNV hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Phát biểu tại thời điểm nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc VNPT, ông Phạm Đức Long cho rằng, khi ngồi vào vị trí Tổng giám đốc VNPT trách nhiệm rất nặng nề. Đây là thời khắc lịch sử bởi VNPT phải đổi mới, tái cơ cấu và phải tăng trưởng đột phá nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người lao động. Với suy nghĩ đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Tập đoàn, ông Long thể hiện khát khao: “Tôi muốn làm bùng lên ngọn lửa khát vọng của con người VNPT. Khát vọng làm thế nào khai phá thị trường dịch vụ mới được cho là tiềm năng là CNTT, khát vọng đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 và vươn ra thế giới”.
Dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Đức Long cùng đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn, VNPT đã luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước; Tập đoàn cam kết đã nộp đủ, đúng các loại thuế, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật và nộp đúng thời hạn; Tập đoàn VNPT đã thực hiện thành công tái cấu trúc Tập đoàn theo quyết định 888/QĐ-TTg của Chính phủ.
Trong 28 năm qua, ông Phạm Đức Long đã cùng đội ngũ lãnh đạo VNPT có nhiều quyết sách hành động Tập đoàn có được những kết quả phát triển ấn tượng, khẳng định vị thế của Tập đoàn Kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và CNTT tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Long đã chủ động trong công tác chỉ đạo cùng với sự phối hợp của Ban lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo thực hiện nhanh, hiệu quả cao các yêu cầu của Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015. Trong giai đoạn I tái cấu trúc, chỉ sau một thời gian ngắn, VNPT đã có những chuyển biến khá tích cực. VNPT đã áp dụng phương pháp quản trị mới, hiện đại, hiệu quả và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới. Đã tổ chức thành lập và đưa 03 Tổng công ty: Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media) chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2015.
Năm 2018 trước tác động của cuộc cách mạng 4.0, VNPT đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thiết lập hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số cho các bộ, ngành địa phương thông qua cung cấp các giải pháp ứng dụng số, ứng dụng thông minh do VNPT tự nghiên cứu và phát triển. Tập đoàn bám sát Đề án chuyển đổi số quốc gia, muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, bản thân VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số. 2018 cũng là năm VNPT đã tiến hành chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam và là Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á. Để hiện thực hóa chiến lược, VNPT đã xây dựng giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, Chính phủ điện tử, tích hợp Đô thị thông minh, IoT…
Trong năm 2018, VNPT đã tham gia tích cực và hiệu quả trong việc cùng xây dựng, thiết lập hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở tầm quốc gia, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước như xây dựng Chính phủ Điện tử, Y tế, Giáo dục, thông minh… thông qua việc cung cấp nhiều bộ giải pháp, ứng dụng cho các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp, bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng. VNPT cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam.
Năm 2019, VNPT đã cùng các bộ, ngành, địa phương hoàn thành khung kiến trúc chính quyền điện tử tiến tới mô hình Chính phủ số, hoàn thành các cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình chuẩn của chuyển đổi số, VNPT sẽ tư vấn cho các bộ, ngành địa phương tận dụng tất cả các hạ tầng đầu tư không lãng phí. Xây dựng các trục liên thông từ Trung ương tới địa phương trên cơ sở cái gì đang sử dụng hiệu quả ở địa phương sẽ tích hợp vào để tránh lãng phí. VNPT cũng đã mở rộng hạ tầng 4G làm nền tảng tốt nhất để khách hàng sử dụng 4G vào dịch vụ số, trở thành nhà cung cấp 4G có chất lượng cao nhất, đồng thời triển khai nghiên cứu và ứng dụng phát triển các sản phẩm 5G, đưa vào thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ khi có giấy phép. Hiện VNPT đã có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng phủ 100% cấp xã và đã chuyển mạng cáp đồng sang cáp quang, tiếp tục phủ cáp quang tới 100% hộ gia đình để thực hiện chuyển đổi số.
Sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Mạnh Hùng nghỉ chế độ (tháng 11/2019), ông Phạm Đức Long đảm nhận thêm các vị trí Phó Bí thư Đảng ủy Phụ trách Đảng bộ Tập đoàn VNPT và Phụ trách Hội đồng thành viên VNPT. Dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Phạm Đức Long, Tập đoàn VNPT đã hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao: Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7%. Về thương hiệu, VNPT đã vươn lên thứ 2 trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam...
Trong những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự dẫn dắt của Phó Bí thư Đảng ủy Phụ trách Đảng bộ Tập đoàn VNPT và Phụ trách Hội đồng thành viên VNPT, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long, Tập đoàn VNPT đã đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Đồng thời, VNPT đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, ứng dụng số để vừa góp phần chống dịch bệnh Covid-19 vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Tập đoàn VNPT đã triển khai kịp thời các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thiết thực với những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ trước nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin tăng cao của toàn xã hội, Tập đoàn VNPT đã chủ động mở rộng và tăng cường năng lực mạng, tăng 50% dung lượng cho gói data, nâng tốc độ tất cả các thuê bao đang sử dụng các gói cước trên hệ thống có tốc độ dưới 50Mbps lên mức 50Mbps, nâng tốc độ băng thông cho toàn bộ hệ thống trường học các cấp từ dưới 150Mbps lên 150Mbps, từ 150Mbps lên 300Mbps và miễn phí chương trình học từ xa VNPT Elearning phục vụ các nhà trường dạy online trong những ngày học sinh không tới trường do dịch bệnh…
VNPT sẽ phải trở thành Tập đoàn công nghệ hàng đầu Quốc gia
Nhận quyết định trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, ông Phạm Đức Long cho hay đây vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề trước Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông và tập thể cán bộ Đảng viên, người lao động của VNPT. “Tôi ý thức được rằng bản thân phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng học tập, rèn luyên trau dồi bản thân, tận tâm tận lực lãnh đạo đơn vị vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng Đảng bộ VNPT tiếp tục trong sạch vững mạnh, VNPT tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong lĩnh vực viễn thông và là doanh nghiệp trụ cột trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia" - ông Long phát biểu.
Tân Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Đức Long cho biết sẽ tiếp tục học hỏi, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm quý báu của các đồng chí lãnh đạo VNPT qua các thời kỳ, nguyện đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết của mình, chung sức, đồng lòng cùng tập thể Ban chấp hành Đảng uỷ Tập đoàn và HĐTV chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện các nhiệm vụ chính được giao, đồng thời dẫn dắt để VNPT thực hiện thành công chiến lược VNPT4.0.
Theo ông Long, VNPT phải chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ. VNPT phải là 1 Tập đoàn công nghệ hàng đầu Quốc gia, tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 đúng với tinh thần Make in Việt Nam và Chỉ thị 01 ngày 14/01/2020 của TTgCP về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. VNPT trở thành doanh nghiệp trụ cột, dẫn dắt chương trình chuyển đổi số quốc gia bám sát tinh thần Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2919 của Bộ chính trị về việc Việt Nam chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4, và QĐ số 749 ngày 3/6/2020 của TTgCP phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030.
VNPT cũng sẽ thực hiện đồng bộ 4 đột phá. Thứ nhất là đột phá về phát triển nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là lãnh đạo cấp chiến lược đủ phẩm chất uy tín, ngang tầm nhiệm vụ với cơ cấu hợp lý để lãnh đạo dẫn dắt thực hiện chiến lược VNPT4.0. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nguồn kế cận cho cấp chiến lược. Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Tập đoàn.
Thứ hai, đột phá về cơ chế, chính sách: cần những cơ chế, chính sách, quyết sách mạnh mẽ, linh hoạt, đồng bộ, và đổi mới, đột phá trong khâu tổ chức triển khai thực hiện ( từ tư duy mới, cách tiếp cận mới đến cách làm mới ) để tạo ra một môi trường làm việc đích thực, chuyên nghiệp, tường minh, tạo động lực mạnh mẽ cho các tập thể và cá nhân thực thi nhiệm vụ. Những rào cản về cơ chế chính sách phải được tháo gỡ nhanh chóng để mở các điểm nghẽn, khơi thông năng lực và sức sáng sáng tạo không giới hạn của mỗi thành viên, khơi thông tiềm năng và sức mạnh của VNPT.
Thứ 3, đột phá về phát triển hạ tầng mạng, hạ tầng số với công nghệ hiện đại, cấu trúc linh hoạt, từng bước hội tụ hạ tầng IDC và cơ sở dữ liệu, đạt chuẩn quốc tế hướng đến kết nối thông minh và thực hiện chuyển đổi số và cuối cùng là đột phá về công nghệ thông qua việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu mạnh, sử dụng hiệu quả quỹ KHCN, hình thành các phòng Lab phát triển các nền tảng công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo, 5G, điện toán đám mây, bigdata...