Dịch COVID-19 tuy ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu song việc sớm khống chế được đại dịch này ở Việt Nam cũng như những kết quả khả quan của 2019 tạo nên tiền đề cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn, chất lượng hơn. Ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết cho cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lộ trình phát triển của mình.
Tầm nhìn chuyển đổi số, định hình mới nào cho doanh nghiệp?
Chủ nhật, 04/10/2020 20:21
Kinh tế Việt Nam năm qua đã đạt những kết quả quan trọng, vẽ nên một bức tranh sáng sủa cho quá trình phát triển. Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02% là một kết quả hết sức ấn tượng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP là 46,11%, cải thiện đáng kể so với năm 2018 (43,5%), cho thấy hiệu quả sử dụng các nguồn lực lao động và vốn trong tăng trưởng kinh tế đang phát triển ở mức độ khá cao.
Theo báo cáo "Cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam: Năng lực thực tại và thách thức tăng trưởng năm 2020" của Vietnam Report, để đạt được sự phát triển đột phá trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải đối diện với thách thức ở các phương diện quan trọng gồm năng lực quản trị, năng lực sử dụng lao động, năng lực sử dụng công nghệ…
Về năng lực quản trị, báo cáo này dẫn chứng một nghiên cứu của VCCI năm 2016 trên 400 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Chỉ có 23% số doanh nghiệp công bố cả báo cáo tài chính và báo cáo thường niên. Trong khi các báo cáo này phản ánh năng lực quản trị của công ty, thì số lượng hạn chế nói trên chứng tỏ nhiều nhà quản lý chưa nhận thức đúng đắn vai trò của quản trị. Vẫn còn một tỉ lệ lớn các lãnh đạo doanh nghiệp quản trị một cách tự phát theo kinh nghiệm. Năng suất lao động của người Việt Nam mặc dù đã đạt những bước gia tăng (trung bình 2011 - 2015 tăng 4,35%, 2016 - 2018 tăng 5,8%) song so với các quốc gia trong khu vực, chúng ta vẫn còn khoảng cách lớn (năng suất lao động Việt Nam tương đương 7,2% Singapore, 18,4% Malaysia, 36,2% Thái Lan, 43% Indonesia, 55% Philippines), cần cải thiện mạnh mẽ hơn.
Về năng lực sử dụng công nghệ, theo dẫn chứng số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2019), chi tiêu cho công nghệ và R&D của doanh nghiệp Việt Nam tương đương 0,41% GDP (1,5 tỉ USD), trong khi của Malaysia là 1,3% và của Singapore là 22%. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp điều kiện để cải thiện vượt bậc các năng lực này song cũng cả những thách thức. Không tận dụng được cơ hội này đồng nghĩa với tụt hậu nhanh chóng trong một thế giới ngày càng phẳng.
Ý thức được tầm quan trọng đó, các doanh nghiệp đã có những bước đi mạnh dạn trong đầu tư công nghệ. Theo khảo sát của VNR500 (11/2019), 59,60% doanh nghiệp lớn có dự định đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, 25,25% lựa chọn đầu tư từ từ từng bước một, 9,06% đang chuẩn bị vốn và nhân lực và chỉ có 6,06% chưa có ý định đầu tư.
Đầu tư công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng không chỉ còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động cụ thể với từng doanh nghiệp. Tuy nhiên để thực thi được thành công, các doanh nghiệp phải đảm bảo ba yếu tố: (1) đủ nguồn vốn, (2) đủ nguồn nhân lực và (3) một tầm nhìn xây dựng hệ thống công nghệ số và hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao.
Chuyển đổi số được hiểu chung là ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp để thay đổi cách thức hoạt động nhằm đem lại hiệu quả vượt bậc cho doanh nghiệp. Song không phải lúc nào, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có một tầm nhìn rõ ràng về công cuộc chuyển đổi số của mình. Chúng ta sẽ thay đổi đến mức độ nào? Sẽ thay đổi những gì? Những thay đổi đó mang lại giá trị gì? Đó là những câu hỏi cần đặt ra khi xác định tầm nhìn cho chuyển đổi số.
Nếu nhìn khái quát một doanh nghiệp theo mô hình 7P: P1: Product (sản phẩm), P2: Price (giá), P3: Place (địa điểm), P4: Promotion (chính sách bán hàng), P5: People (con người), P6: Process (quy trình) và P7: Philosophy (triết lý), thì một tầm nhìn chuyển đổi số ít nhất bao trùm 3 mức: P7, P6 và P5. Mô hình 7P được đề cập phổ biến ở lĩnh vực marketing hiện đại nhằm nâng cao vị thế của marketing trong quản trị doanh nghiệp. Không chỉ trong marketing, 7P có thể định hướng cho việc đánh giá năng lực cho cả doanh nghiệp từ các hoạt động kinh doanh đến quản trị và triết lý. Nói một cách cụ thể, tầm nhìn chuyển đổi số sẽ định hình những thay đổi về mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ và phương thức làm việc của người lao động.
Mô hình kinh doanh được xác định trên các khía cạnh sau: giá trị cung cấp cho khách hàng, cách tạo ra doanh thu và giá trị cho cổ đông, năng lực cốt lõi và nguồn lực để tạo nên ưu thế cạnh tranh, các đối tác và kênh cung cấp chiến lược, thị trường và chính sách tác động tới doanh nghiệp. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ số ngày nay cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình chứ không chỉ còn là số hóa sản phẩm hay kênh bán hàng như trước (tham khảo Evolution of digital transformation - nguồn IBM Institute for Busines Value).
Những động lực tạo nên thay đổi mạnh mẽ trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp là sự phát triển của công nghệ di động, mạng xã hội, khả năng phân tích và trí tuệ nhân tạo. Thiết bị di động xóa bỏ các ranh giới không gian và thời gian, cho phép khách hàng, doanh nghiệp kết nối trực tuyến mọi lúc mọi nơi. Với số lượng trên 3,8 tỉ người dùng hiện nay, mạng xã hội đang trở thành kênh liên lạc và hợp tác chính. Không chỉ vậy, nhiều giao dịch nghiệp vụ giữa doanh nghiệp và khách hàng đã được thực hiện qua mạng xã hội. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển chóng mặt của siêu số hóa (hyper digitization). Thông tin điện tử có thể được đính kèm lên mọi hàng hóa, phương tiện vận chuyển. Dữ liệu thu thập từ cảm biến cho biết thông tin theo thời gian thực về các mạng lưới điện nước, máy móc thiết bị, các nguồn tài nguyên tự nhiên… Khả năng phân tích ưu việt và trí tuệ nhân tạo giúp khai thác giá trị tối đa của các dữ liệu thu thập được và là động lực chính để tạo nên những doanh nghiệp thông minh.
Tầm nhìn chuyển đổi số có thể hướng đến chuyển đổi mô hình kinh doanh theo các hướng sau: (1) mô hình doanh thu dựa trên kết quả đầu ra, (2) mở rộng sang thị trường mới, (3) số hóa sản phẩm và dịch vụ, (4) hệ sinh thái số, (5) kinh tế chia sẻ. Thực tế thì một doanh nghiệp có thể triển khai cùng lúc nhiều hướng trên tùy theo năng lực và điều kiện của mình.
*Theo mô hình kinh doanh dựa trên kết quả đầu ra, doanh nghiệp cung cấp giá trị cho khách hàng dựa trên kỳ vọng thực sự của khách hàng thay vì bán sản phẩm và dịch vụ theo cách thông thường. Cách làm này vừa tăng thêm sự hài lòng của khách hàng, vừa tạo một dòng doanh thu mới cho doanh nghiệp. Hoerbiger là một ví dụ. Công ty này hoạt động tại 50 quốc gia, sản xuất máy nén dùng cho các giếng khai thác khí đốt. Nhờ ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), Hoerbiger thu thập được dữ liệu về hiệu suất hoạt động của các thiết bị, chủ động thực hiện bảo trì và tạo dòng doanh thu dựa trên tình trạng sẵn sàng hoạt động của các thiết bị tại địa điểm của khách hàng.
*Mở rộng sang một thị trường mới dựa trên những khả năng công nghệ số để phá vỡ thị trường hiện có, tạo nên một ưu thế cạnh tranh mới. Ví dụ của mô hình này là taxi công nghệ. Ra đời cùng sự bùng nổ của kết nối Internet, thiết bị di động và xử lý bản đồ số trên điện toán đám mây, mô hình kinh doanh này đã phá vỡ thị trường taxi truyền thống, vừa đem lại lợi ích cho khách hàng, vừa tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội. Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực vận chuyển khách, mô hình này còn phát triển một hệ sinh thái gồm một loạt dịch vụ kết nối với nhau như: thanh toán số, giải trí, ăn uống, giao hàng, khách sạn…
*Số hóa các sản phẩm và dịch vụ giúp cho các doanh nghiệp chuyển giao sản phẩm và dịch vụ đến với khách hàng nhanh hơn và chi phí thấp hơn. Câu chuyện của UPS là một ví dụ.
Hãng chuyển phát toàn cầu này ứng dụng công nghệ in 3D kết hợp với hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để cung cấp dịch vụ sản xuất linh kiện theo yêu cầu và chuyển giao cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Với hệ thống quản lý sản xuất và logistics dựa trên công nghệ số, phần lớn các đơn hàng nhận được từ 6h tối có thể được sản xuất ngay và bàn giao cho khách hàng vào buổi sáng hôm sau.
*Hệ sinh thái số tạo môi trường kết nối liền mạch các sản phẩm và dịch vụ của nhiều doanh nghiệp với nhau để đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng cuối. Có thể kể đến một số ví dụ về hệ sinh thái số như Apple, Verifone, Klöckner, hay các hình thức taxi công nghệ như dẫn chứng ở trên…
*Kinh tế chia sẻ là mô hình dựa trên nền tảng số hỗ trợ chia sẻ ngang hàng các tài nguyên sẵn có trong một cộng đồng. AirBnB là một ví dụ về mô hình này trong lĩnh vực chia sẻ chỗ ở. Cohealo chia sẻ thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh nhằm nâng cao tốc độ cung cấp dịch vụ và giảm thiểu chi phí trong chăm sóc sức khỏe.
Ở mức quy trình nghiệp vụ, tầm nhìn chuyển đổi số cần xác định được những khả năng mà công nghệ số thay đổi cách doanh nghiệp vận hành nghiệp vụ, chuyển giao giá trị cho khách hàng và tạo ra giá trị cho công ty. Các khả năng mà chuyển đổi số có thể tạo ra giá trị gồm:
- Lấy khách hàng làm trung tâm, làm hài lòng khách hàng trong suốt vòng đời bán hàng và dịch vụ. Ví dụ, ứng dụng học máy, hiện thực ảo để hiểu khách hàng hơn và cá nhân hóa dịch vụ cung cấp cho từng khách hàng.
- Vận hành doanh nghiệp theo thời gian thực. Thu thập thông tin phát sinh theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định, rút ngắn thời gian giao dịch và tối ưu hóa tác nghiệp.
- Hướng tới khả năng dự báo tốt hơn. Dữ liệu cùng những khả năng tính toán ưu việt giúp doanh nghiệp chuyển từ cách phản ứng bị động sang chủ động trong kinh doanh cũng như tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ.
- Phối hợp tương tác giữa các doanh nghiệp. Các quy trình nghiệp vụ có thể được thực hiện liền mạch giữa các doanh nghiệp khác nhau, đem lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, giảm thiểu xung đột và chi phí.
- Phối hợp tương tác giữa người và máy. Các tính năng máy học và tự động hóa có thể thay thế con người trong những công đoạn phải lặp lại nhiều lần, cần độ chính xác cao.
Ở mức con người, tầm nhìn chuyển đổi số cần chỉ ra được sự thay đổi về môi trường làm việc. Những công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, mạng xã hội, ứng dụng di động… mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho đội ngũ quản lý và người lao động. Có thể kể đến các thay đổi như sau:
- Hợp tác cùng làm việc tốt hơn. Các hệ thống quản lý trên điện toán đám mây tạo môi trường hợp tác thuận tiện và thân thiện hơn giữa người với người.
- Công việc trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Những tính năng phân tích thông minh, nhận biết giọng nói, cảm biến thông minh… giúp người dùng có trải nghiệm dễ chịu hơn khi làm việc.
- Làm việc với đồng nghiệp mới: máy thông minh. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa thay thế con người trong những công việc đơn điệu và lặp lại, nhờ đó nâng cao năng suất và giảm thiểu sai sót.
Công nghệ số đang phát triển rất nhanh, tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi mình để đạt được thành quả vượt bậc trong quản trị và kinh doanh. Không phải chỉ cải thiện ở một vài khía cạnh mà chuyển đổi số cho phép thay đổi mô hình kinh doanh, phá vỡ những thị trường truyền thống hay tạo ra những ưu thế cạnh tranh mới. Khi bắt tay vào công cuộc chuyển đổi, lãnh đạo doanh nghiệp nhất định phải định hình được doanh nghiệp sẽ như thế nào sau chuyển đổi: mô hình kinh doanh mới, quy trình nghiệp vụ mới, môi trường làm việc mới. Một tầm nhìn rõ ràng là yếu tố quan trọng đảm bảo tính khả thi của dự án chuyển đổi số.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo thường niên White paper: Kinh tế Việt Nam 2020: Doanh nghiệp lớn Việt Nam và thách thức tăng trưởng 2020, Vietnam Report, 01/2020.
2. Global social media overview, datareportal.com, 07/2020.
3. Digital transformation: Creating new business models where digital meets physical, IBM Institute for Business Value, 2011.
4. Digital Innovation Demystified: Reimagine Business Models, Reimagine Business Process, Reimagine Work, SAP, 2020.
5. How to Develop a Digital Ecosystem: a Practical Framework, Omar Valdez-de-Leon, 08/2019.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)
Hữu Văn