Tái cơ cấu VNPT: Bước ngoặt lịch sử cho thị trường viễn thông

Thứ sáu, 04/07/2014 10:21

Từ ngày 1/7/2014, Công ty Thông tin di động Việt Nam (VMS-Mobifone) chính thức tách khỏi Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), điều chuyển nguyên trạng về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, đánh dấu những bước triển khai đầu tiên theo Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT.

img

Việc chuyển Mobifone từ VNPT về Bộ TT&TT sẽ là cơ hội tốt để  đơn vị này phấn đấu trở thành tập đoàn viễn thông mạnh

Tại cuộc họp công bố Quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Mobifone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Quyết định 888 tuy chỉ ngắn gọn với 3 điều trong 7 trang giấy, nhưng lại có tầm quan trọng lớn vì nó quyết định cho sự phát triển của thị trường viễn thông trong tương lai, đặc biệt tạo thời cơ chưa từng có để VNPT, Mobifone cùng bứt phá trở thành những tập đoàn viễn thông vững mạnh.
 
Cơ hội “vàng”

Việc tách các đơn vị ra khỏi VNPT tạo điều kiện thành lập nhiều doanh nghiệp mới, tập đoàn mới, trường đại học tầm cỡ quốc gia mới… góp sức nhiều hơn vào công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Nhưng quan trọng nhất, đây là cơ sở để xây dựng nên một thị trường viễn thông cạnh tranh hoàn chỉnh hơn, lành mạnh hơn, đóng góp ngân sách cao hơn và người tiêu dùng được lợi nhiều hơn.

Phải nói, Quyết định 888 đã tạo ra cơ hội vàng cho thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và cho VNPT, Mobifone nói riêng. Tái cơ cấu sẽ giúp VNPT có cơ hội để tự đổi mới chính mình, trưởng thành vững mạnh, kinh doanh có hiệu quả hơn và ngày càng phát triển. Còn với Mobifone cũng sẽ có thêm điều kiện để đứng vững và trở thành tập đoàn viễn thông hàng đầu trên thị trường, đủ sức cạnh tranh với VNPT và các tập đoàn viễn thông khác.

Trong cuộc họp công bố Quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Mobifone từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 30/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo: Nhiệm vụ đầu tiên của Mobifone là bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả ngay từ khi tách ra, không để bị gián đoạn. Tiếp đó cần nhanh chóng triển khai phối hợp với các nhóm giúp việc, các vụ… của Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng Đề án tổ chức lại Mobifone thành Tổng công ty Mobifone.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Mobifone là một trong những công ty lớn nhất nước ta, với mức vốn điều lệ lên tới 12.600 tỷ đồng; mức doanh thu năm 2013 khoảng 39.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Mobifone sở hữu hình thức quản trị rất tiên tiến, mạng lưới dịch vụ và bán hàng rộng khắp, luôn hoạt động hiệu quả và có mức lợi nhuận cao…

Chính vì thế, việc tổ chức lại Mobifone thành Tổng công ty Mobifone sẽ mang đến một tầm vóc mới tương xứng với quy mô cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao giá trị cho VMS khi tiến hành cổ phần hóa và tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng trong tương lai, khi đối thủ chính của Mobifone là các tập đoàn lớn khác (VNPT, Viettel).

Chọn lựa cổ đông chiến lược: Công việc quan trọng nhất  
   
Quyết định 888 dường như ưu đãi Mobifone, khi được tách ra với đầy đủ “của hồi môn” mà không phải đeo theo bất kỳ gánh nặng nào. Cùng với việc được tổ chức lại thành Tổng công ty kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin hoàn chỉnh, tạo thành một mạng viễn thông lớn… Mobifone đang đứng trước một cơ hội chưa từng có để phát triển trở thành một tập đoàn viễn thông hùng mạnh.

Vấn đề cần quan tâm là sẽ tiến hành quá trình cổ phần hóa như thế nào, để vừa thúc đẩy được sự phát triển của Mobifone trong tương lai, vừa bảo đảm được lợi ích của các bên, trong đó có việc thu hồi đầy đủ vốn Nhà nước.

TS Mai Liêm Trực bày tỏ: Mobifone là một thương hiệu lớn, có khối lượng tài sản vô hình và hữu hình lên tới nhiều tỷ USD. Đây là công ty lớn nhất được đưa ra cổ phần hóa từ trước đến nay ở nước ta. Vì thế, nó sẽ ảnh hưởng rộng khắp, có sự quan tâm mạnh mẽ không những của các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư mà còn của toàn xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Mobifone trong quá trình cổ phần hóa chắc chắn phải thành lập Ban Chỉ đạo, để xác định rõ những nội dung quan trọng như: Vốn điều lệ công ty cổ phần, giá trị tài sản doanh nghiệp (cả vô hình và hữu hình), về cơ cấu và giá phát hành cổ phiếu lần đầu tiên cũng như việc xác định và chọn lựa cổ đông chiến lược… Nên thuê các công ty tư vấn, nhất là các công ty tư vấn độc lập nước ngoài để có những tư vấn chính xác và kịp thời, nhất là trong những khâu quan trọng như định giá công ty, chọn lựa cổ đông chiến lược.

Theo TS Mai Liêm Trực, riêng việc chọn lựa cổ đông chiến lược sẽ là hạng mục quan trọng nhất, vì nó quyết định đến phần lớn sự phát triển của Mobifone trong tương lai. Một nhà cổ đông chiến lược có năng lực kinh tế hùng hậu, năng lực quản trị hiệu quả và tiên tiến… sẽ là cây cầu nối vững chắc nhất đưa Mobifone đến với thành công.

Vì vậy, trước hết cần xác định rõ những tiêu chí, yêu cầu đối với một cổ đông chiến lược. Ở đây nên để các công ty tư vấn độc lập nước ngoài đánh giá, thẩm định năng lực tài chính, năng lực quản trị, kinh nghiệm quản lý kinh doanh… để đưa ra được đánh giá công minh, chính xác nhất về các “ứng cử viên”.

Cổ đông chiến lược là những người bỏ vốn đầu tư lớn, có cam kết lâu dài… Vì vậy, trong quá trình đàm phán, ngoài việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng cần hiểu và cảm thông với những khó khăn và rủi ro của cổ đông chiến lược. Phải có tầm nhìn dài hạn, thì đàm phán mới nhanh chóng đi đến thống nhất mà không kéo dài, tạo đà cho việc tiếp tục triển khai, xúc tiến những hạng mục quan trọng khác của quá trình cổ phần hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã từng đánh giá cao tính chuyên nghiệp của Mobifone qua thời gian hợp tác với đối tác Comvik (Thụy Điển), vẫn giữ được bộ gene “Tây” nhưng được Việt hoá.

Thực tế cũng cho thấy, nề nếp và thành tích Mobifone có được trong thời gian qua, phần lớn kế thừa từ 10 năm hoạt động liên doanh cùng Comvik. Vì vậy, việc hợp tác với ít nhất một nhà cổ đông chiến lược nước ngoài là chọn lựa hoàn toàn hợp lý.
Nhưng quan trọng hơn hết, quá trình cổ phần hóa phải có sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, để bảo đảm đầy đủ tính công khai, minh bạch và khẩn trương cần thiết.

Khó khăn lại là lợi thế của VNPT

Trong khi tái cơ cấu đang mang lại cơ hội lớn cho Mobifone, thì nhiều chuyên gia lại cho rằng VNPT sẽ lâm vào tình trạng khốn khó chưa từng có.

TS. Mai Liêm Trực có suy nghĩ khác hẳn: Theo thống kê nhiều năm nay, Mobifone luôn chiếm hơn một nửa doanh thu và lợi nhuận của toàn Tập đoàn, đồng nghĩa với việc VNPT sẽ gặp khó khăn lớn về tài chính khi Mobifone tách ra, ít nhất là trong vài năm đầu. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó sẽ biến thành động lực, thời cơ để VNPT tự vươn lên, làm mới mình và tiếp tục phát triển vững mạnh.

Ông Trực phân tích: VNPT có những sức mạnh nội tại mà bấy lâu nay chưa được tận dụng một cách đúng mức. Đầu tiên, VNPT sở hữu mạng lưới cố định mạnh, mạng di động với đầy đủ băng tần cùng hệ thống kinh doanh bán hàng rộng khắp cả nước. Tiếp đó, đội ngũ cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên, nghiệp vụ điều hành viên… của VNPT rất hùng hậu, chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Thêm nữa, VNPT là một thương hiệu có uy tín, được nhân dân, cấp ủy các địa phương tin cậy qua quá trình hoạt động lâu dài. Cuối cùng, vốn luôn là tập đoàn kinh doanh có lãi, nên dù mất đi phần thu từ Mobifone, nhưng với khả năng tài chính sẵn có, cộng thêm nguồn vốn có được qua quá trình cổ phần hóa Mobifone và thoái vốn từ các đơn vị khác, VNPT sẽ có đầy đủ “lực” cho quá trình phát triển và cuộc đua tranh quyết liệt trong tương lai.

Vấn đề cốt lõi là làm sao để phát huy một cách tối đa những sức mạnh đó? Ông Trực cho rằng: Nhiều thế mạnh như vậy mà lâu nay chưa phát huy được triệt để, nguyên nhân chính là do vấn đề nhận thức của cán bộ công nhân viên, do cơ chế hoạt động lạc hậu của Tập đoàn, trong đó có cơ chế về lao động, cơ chế tuyển chọn và sử dụng cán bộ, cơ chế tài chính và tiền lương, cơ chế đầu tư, cơ chế về điều hành kỹ thuật nghiệp vụ và tổ chức…, bộ máy chức năng cồng kềnh.

Dứt khoát cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tổ chức và nhân sự, phải chọn những người giỏi và tâm huyết vào các vị trí đứng đầu các đơn vị từ trên xuống dưới. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị nên công khai, minh bạch những khó khăn của Tập đoàn, tạo nên ý chí thống nhất chung, cùng nhau lập tức bắt tay đối mặt giải quyết những khó khăn.

Song song với đó là đổi mới chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương, tiền thưởng… tạo động lực cho cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn nỗ lực phấn đấu, đồng thời thu hút thêm nhiều nhân tài tham gia góp sức. Như thế VNPT sẽ phát huy tốt nội lực sẵn có để tiếp tục vững vàng phát triển.

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: VNPT là một trong những tập đoàn lớn của nước ta, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an toàn an ninh quốc phòng, góp phần khẳng định thành công của mô hình kinh tế Nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.

Riêng đối với ngành Viễn thông và Công nghệ thông tin, VNPT là tập đoàn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, cung ứng các dịch vụ viễn thông (đặc biệt là di động), các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin…

“Vì vậy, tôi tin rằng, tuy sẽ khó khăn về tài chính trong một vài năm đầu, nhưng nếu VNPT phát huy được các thế mạnh sẵn có của mình; với quyết tâm mới, sáng tạo mới, biến khó khăn thành lợi thế để gượng dậy, VNPT sẽ ngày càng lớn mạnh và tiếp tục giữ vững vị trí chủ lực của ngành Viễn thông và Công nghệ thông tin của nước ta trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top