Tác hại của thuốc lá và hướng dẫn cai nghiện thuốc lá

Chủ nhật, 27/11/2022 10:46

Nghiện hút thuốc lá không phải là bệnh và không cần thuốc để điều trị, tuy nhiên từ giảm hút thuốc lá dần cho tới cai được thuốc lá lại là một quá trình khó khăn với rất nhiều người.

20221212-A-153.jpg
ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, 69 chất gây ung thư. Các thành phần độc hại chính gồm nhựa thuốc lá (hắc ín), nicotin (là chất gây nghiện). Cơ quan Kiểm soát dược và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) xếp nicotin vào nhóm các chất có tinh chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự như các chất ma túy như heroin và cocain.
Carbon Monoxide trong thuốc lá là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạnh, gây ra bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.
Benzene: Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu.
Nitrosamines: Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong thuốc lá và trong các sản phẩm thuốc lá không khói.
Ammonia: Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng để tăng cường tác động gây nghiện của nicotine.
Formaldehyde: Dung dịch dùng trong ướp xác. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá...
Với các thành phần độc tính trong khói thuốc, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 25 căn bệnh khác như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim) và các bệnh về hô hấp.
Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc bao gồm con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc.
Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu đến dương vật gây liệt dương. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân hơn so với phụ nữ mang thai không hít phải khói thuốc.
Nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do nói không với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác “đói” thuốc. Thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm và hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra. Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần kinh do chất gây nghiện 3 nicotine gây ra. Nghiện thuốc lá thường là kết hợp của nghiện tâm lý, hành vi với nghiện thực thể - dược lý.
Nghiện tâm lý: Nghiện tâm lý là khi người nghiện hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh khi hút thuốc lá. Ví dụ: Sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau bởi vì nghiện tâm lý tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh tương ứng với hoàn cảnh cụ thể ấy. Ví dụ: Người nghiện thuốc lá tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, hút thuốc lá khi làm việc để tăng mức độ tập trung, hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng.
Nghiện hành vi: Nghiện hành vi là khi người nghiện hút thuốc lá như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Theo đó, hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: Sau khi ăn  hút -> hút khi gặp bạn hữu -> hút khi uống cà phê vào buổi sáng -> hút khi ăn cơm xong. 
Nghiện thực thể - dược lý: Một người hút thuốc lá được gọi là nghiện thực thể - dược lý khi việc hút thuốc lá đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể họ cần nicotine để có thể hoạt động bình thường vì khi thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá như thèm hút thuốc lá mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi họ hút thuốc lá trở lại.
Để bảo vệ chính sức khỏe của mình và người thân tốt nhất là nên bỏ được thuốc lá. Để cai thuốc lá thành công, trước hết người hút thuốc cần lên kế hoạch bỏ thuốc và ý chí quyết tâm. Có 6 bước để mọi người có thể bỏ thuốc:
Thứ nhất, lập kế hoạch về việc bỏ thuốc lá, chọn một ngày đặc biệt để bắt đầu ngừng hút thuốc. Lên một kế hoạch cụ thể ít nhất 6 tháng, nên chia cường độ giảm dần sử dụng thuốc từng ngày, từng tháng để cơ thể dễ dàng thích nghi. Ghi nhớ kế hoạch và kiên định với kế hoạch. Chỉ tiêu ban đầu đề ra là giảm dần và không hút thuốc trong một ngày sẽ rất dễ dàng thực hiện cho người nghiện thuốc.
Thứ hai, viết ra những lý do của bạn để bỏ hút thuốc. Đọc qua danh sách mỗi ngày, trước và sau khi bỏ thuốc lá. Ví dụ: Hút thuốc gây ung thư, ảnh hưởng đến người thân, tổn hại kinh tế gia đình...
Thứ ba, ghi lại thời điểm bạn hút thuốc, tại sao bạn hút thuốc và bạn đang làm gì khi hút thuốc. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ những gì kích thích bạn hút thuốc.
Thứ tư, lập danh sách những việc bạn có thể làm thay vì hút thuốc. Hãy sẵn sàng làm một việc khác khi bạn muốn hút thuốc. Ví dụ: Uống nước, nhai kẹo cao su, tập thể dục…
Thứ năm, hỏi bác sỹ về việc sử dụng thuốc hoặc sử dụng kẹo cao su hoặc miếng dán nicotine, không được tự tiện dùng bất cứ loại tân dược nào. Bởi hiện nay có một số loại thuốc giúp cai thuốc lá có tác dụng phụ làm thay đổi hành vi, gây kích động, stress… 
Thứ sáu, khi bạn muốn hút thuốc, hãy hít một hơi thật sâu. Giữ nó trong tối đa 10 giây và thở ra từ từ. Lặp lại nhiều lần cho đến khi ham muốn hút thuốc qua đi.
Khi bắt đầu cai thuốc lá, thời gian đầu trong quá trình cai thuốc là thời gian khó khăn nhất. Bạn có thể có các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đói, có thể xuất hiện các rối loạn về giấc ngủ, cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc đau đầu. Các triệu chứng cai nghiện này thường kéo dài vài giờ, đỉnh điểm trong 2-3 ngày đầu và có thể kéo dài trong 1 tháng. Những triệu chứng xảy ra do cơ thể bạn đã quen với nicotin, chất gây nghiện hoạt động trong thuốc lá. Nhưng các triệu chứng này sẽ không kéo dài. Chúng xuất hiện nhiều nhất khi bạn bỏ thuốc lần đầu nhưng thường sẽ biến mất trong vòng 10 đến 14 ngày. Vì vậy, đòi hòi sự kiên trì và quyết tâm cao độ, bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ động viên của người thân, hầu như không ai cai thuốc lá thành công ở lần đầu tiên, sau mỗi lần không thành công cũng đừng quá thất vọng mà nên đặt quyết tâm thực hiện lại việc cai thuốc lá cho tới lúc dứt điểm bỏ được thuốc lá.
 
Hoàng Mạnh Hùng (nguồn: baotuyenquang.com.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top