ảnh minh họa
Theo Tổ chức Y tế thế giới mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nhiều chất độc hại,nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa. Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên(1). Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh làm tăng mức độ nặng và tử vong ở người bệnh Covid-19 lên 50% và tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19(2).
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và trên 15,500 các loại hương liệu có nhiều chất độc. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.
Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường: Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5-10 lần so với người không hút thuốc lá.Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim,liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), hình ảnh tổn thương phổi giống như của bệnh nhân Covid-19(3).
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.
Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ(4), khiến trẻ em bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài. Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.Một kết quả điều tra năm 2020 của Viện chiến lược và chính sách y tế cho thấy tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử mà chưa bao giờ sử dụng thuốc lá thông thường lên đến 45%.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng: Ở Mỹ tăng từ 1,5% năm 2011 lên tới 19,6% năm 2020, 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên. Nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy 9,5% thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên (nhiều hơn 10 lần mỗi tháng). Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong học sinh (GYTS) năm 2014 và 2018: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm 13-15 tuổi ở các quốc gia Châu Âu đều tăng nhanh, cả ở nam và nữ (San Marino tăng từ 5,9% năm 2014 lên 8,9% năm 2018; Ý tăng từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018; Tại Việt Nam: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử 2,6% năm 2019.
Với bài học kinh nghiệm như vậy từ các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, nếu Việt Nam cho phép các sản phẩm này sẽ làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc látrong thanh thiếu niên, điều này đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ thế hệ trẻ đã được nêu trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.Tại Việt Nam, dù chưa cho phép nhưng tỷ lệ thanh niên từ 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng các sản phẩm này đã ở mức 2,6%(5). Tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 tại thành phố Hà Nội là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Đáng lưu ý, có đến 5,2% các em hiện không hút thuốc lá truyền thống, mà chỉ sử dụng thuốc lá mới này (nam là 7,7% và nữ là 2,3%)(6). Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng gia tăng. Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới (nữ 1,1% và nam giới là 45,3%- Điều tra GATS 2015). Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại Thành phố Hà Nội thì khoảng cách giới giữa nam học sinh và nữ học sinh lớp 8 đến lớp 12 của thành phố Hà Nội hiện đang hút thuốc lá điện tử là không đáng kể (nữ là 4,8%, nam là 12,4%). Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.
Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả chưa được như mong đợi do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Việt Nam nỗ lực trong 5 năm qua với quyết tâm, nỗ lực cao nhưng mới giảm được 2,1% tỷ lệ nam giới hút thuốc lá. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các nỗ lực đạt được sẽ bị phá bỏ.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hộinghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá điện tử, kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Việc cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là đi ngược lại với mục tiêu của Luật PCTH Thuốc lá, Chiến lược quốc gia PCTH Thuốc lá về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam đều thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ việc mở rộng nguồn cung cấp, tăng thêm sự lựa chọn sản phẩm sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Kinh nghiệm tại các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này tăng nhanh trong giơi trẻ (Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ hút trong học sinh trung tăng từ 11,7 năm 2017 lên 27,5% vào năm 2019. Tại Canada, trong 2 năm 2018 - 2019, việc sử dụng trong thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực được quốc tế ghi nhận trong việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá, áp dụng các biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt nam đã gia tăng nhanh . Theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13-17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%) theo nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020. Trong khi đó tỷ lệ sử dụng năm 2015 mới có 0,2%.
Nếu cho phép kinh doanh thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng mạnh do dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là tỷ lệ tăng trong thanh thiếu niên, do đây là sản phẩm hướng nhiều đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước.
Việt Nam không nên cho thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có hại sức khỏe như các sản phẩm thuốc lá mới, càng không thể đưa sức khỏe người dân ra thực hiện việc thí điểm, nhất là khi chưa nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Việc thí điểm cũng như giải quyết hậu quả của việc thi diểm các sản phẩm gây nghiện gây ra những tốn kém và đầu tư nguồn lực không cần thiết
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không phải là sản phẩm giảm hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng không công nhận sản phẩm này giúp cai nghiện thuốc lá.
Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép sản phẩm mới này,Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần ./.