Tác động của thảm họa đối với các hoạt động thống kê và cách thức ứng phó của hệ thống thống kê quốc gia

Thứ tư, 22/09/2021 15:34

Trong những năm qua, nhiều thảm họa xuất hiện với mức độ tàn khốc, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân và kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới. Không chỉ hứng chịu những thảm họa từ biến đổi khí hậu như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt, từ năm 2020 đến nay thế giới tiếp tục phải đối mặt với dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp làm kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, số người bị lây nhiễm và tử vong tăng cao.

Nguyễn-Thị-Hương.jpg

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai trên thế giới. Với đường bờ biển dài 3.260 km, địa hình đa dạng, phức tạp nên thiên tai xảy ra ở nhiều dạng như bão, lũ lụt, mưa lớn, sạt lở và hạn hán. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải hứng chịu hàng trăm cơn bão, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo của Tổ chức GermanWatch (2020), Việt Nam thuộc nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi các sự kiện thảm họa với tổn thất ước tính khoảng 1% GDP. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 làm tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp nhất từ trước đến nay.

Sức khỏe, tính mạng của người dân, kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi Chính phủ các nước phải có những hành động thiết thực với những kế hoạch cụ thể để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cơ quan Thống kê quốc gia đối với những kế hoạch đó.

I. Tác động của thảm họa tới các hoạt động thống kê

1. Tác động của thảm họa tới công tác hỗ trợ thực hiện hoạt động thống kê

(1) Công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực thống kê: Công tác tuyển dụng công chức ở Tổng cục Thống kê (TCTK) được tiến hành 2 năm một lần. Trong bối cảnh thảm họa xuất hiện, công tác tuyển dụng nhân sự để thực hiện hoạt động thống kê chịu ảnh hưởng không nhỏ. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức phải hủy bỏ do thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh lây lan dẫn đến một số Cục Thống kê thiếu hụt nhân lực. Khác với khu vực doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân sự bằng hình thức trực tuyến hoặc thuê ngoài, quy trình tuyển dụng theo xu hướng chung để tiết kiệm chi phí, quy trình tuyển dụng công chức, viên chức của Cơ quan hành chính Nhà nước, cụ thể là ở Tổng cục Thống kê chỉ có thể tuyển dụng bằng hình thức trực tiếp. Số lượng nhân lực của một số đơn vị trực thuộc TCTK thiếu hụt so với định mức quy định, trong khi khối lượng công việc lớn, đặc biệt nhiều nhiệm vụ mới phát sinh nên đã gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện các công việc được giao.

Tổng cục Thống kê xây dựng Kế hoạch đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai Kế hoạch và tham gia trực tiếp các khóa đào tạo của học viên.

Từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, Việt Nam đã trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp. Số ca dương tính với dịch Covid-19 trong Tổng cục Thống kê là 5 ca, cùng với nhiều trường hợp tiếp xúc gần nên để phòng tránh dịch lây lan, một số công chức, viên chức phải cách ly. Tình trạng đó làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hoạt động thống kê trong những tháng vừa qua.
 

(2) Công tác tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo thực hiện các hoạt động thống kê: Từ năm 2020 đến nay, công tác tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo hỗ trợ các hoạt động thống kê đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Những hội nghị, hội thảo không thực sự cần thiết phải hủy bỏ; kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo và các chuyến công tác trong nước, quốc tế phải cắt giảm để bổ sung nguồn lực phòng chống dịch bệnh. Một số hội nghị, hội thảo đã thay đổi về hình thức, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến; giới hạn số lượng thành viên tham dự để thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ.

(3) Nguồn tài chính thực hiện các hoạt động thống kê

Dịch Covid-19 hiện đang đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ và những khó khăn to lớn đối với nền kinh tế nói chung và nguồn tài chính thực hiện các hoạt động thống kê nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn chung, dự toán chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động thống kê của TCTK trong năm 2021 sụt giảm nhiều so với các năm trước. Kinh phí điều tra thống kê cho các cuộc điều tra thường xuyên và định kỳ, tổng điều tra kinh tế của TCTK trong năm 2021 đã cắt giảm hơn 50% so với dự toán; đồng thời, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác trong nước và quốc tế. Chi phí thực hiện điều tra thường xuyên năm 2021 cũng bị cắt giảm nên TCTK gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các cuộc điều tra, nhất là đối với việc trưng tập điều tra viên thống kê cho các cuộc điều tra thực hiện phiếu điều tra bằng phiếu giấy. 

(4) Phối hợp giữa Cơ quan Thống kê quốc gia với tổ chức thống kê Bộ, ngành trong cung cấp thông tin thống kê; với tổ chức quốc tế khi có thảm họa xuất hiện.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động thống kê, mà còn ảnh hưởng đến sự phối hợp, chia sẻ giữa Cơ quan Thống kê quốc gia với Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển do không thường xuyên trực tiếp trao đổi, thảo luận. Các biện pháp giãn cách xã hội, làm việc tại nhà đã làm gián đoạn sự kết nối giữa TCTK, Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong triển khai các hoạt động thường xuyên và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn bộc lộ những khó khăn của TCTK khi ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với các tổ chức quốc tế cũng như tiếp nhận hỗ trợ từ xa do đường truyền không ổn định và kinh phí thực hiện kết nối các điểm cầu họp trực tuyến tương đối lớn.

2. Tác động của thảm họa tới hoạt động thống kê

(1) Xác định nhu cầu thông tin thống kê: Trong bối cảnh thảm họa, dịch bệnh xuất hiện, nhu cầu thông tin về thiệt hại do thảm họa gây ra, tác động của thảm họa đến tình hình kinh tế - xã hội, đến doanh nghiệp là rất lớn và đa dạng. Năm 2020, để đáp ứng nhu cầu thông tin đột xuất của người dùng tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19, TCTK đã tiến hành 2 lần khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thực hiện lồng ghép thông tin đánh giá tác động dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, thu nhập trong điều tra lao động việc làm hàng tháng. Do nhu cầu thông tin đột xuất, nhân lực, kinh phí và cơ chế hợp tác giữa TCTK với Bộ, ngành liên quan còn hạn chế nên việc xác định nhu cầu thông tin thống kê chưa bảo đảm đầy đủ nhu cầu của người dùng tin liên quan đến thảm họa cũng như dịch bệnh.

 (2) Thu thập thông tin thống kê: Do tác động của các thảm họa trong thời gian gần đây, đặc biệt dịch Covid-19 nên việc thu thập thông tin thống kê tại địa bàn của Tổng cục Thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong phương án điều tra thống kê. Cụ thể: Không thể tiếp cận địa bàn, đơn vị điều tra ở các địa bàn bị ảnh hưởng bởi thảm họa; tổ chức, doanh nghiệp, người dân bị hạn chế trong việc cung cấp thông tin so với điều kiện bình thường do bản thân họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc bị hạn chế trong việc nhận hỗ trợ cung cấp thông tin từ Cơ quan Thống kê; việc kiểm soát chất lượng thông tin thống kê như giám sát, kiểm tra điều tra thực địa, đôn đốc tiến độ điều tra bị hạn chế.

Các cuộc điều tra thực hiện bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khảo sát mức sống dân cư và Tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 là những cuộc điều tra với quy mô lớn, bảng hỏi phức tạp nên chưa thể chuyển đổi sang hình thức người được phỏng vấn tự điền thông tin. Do đó, tại những địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cuộc điều tra đã phải tạm thời hoãn tiến hành. Các cuộc điều tra khác với quy mô và mức độ phức tạp ít hơn mặc dù đã linh hoạt áp dụng hình thức điều tra gián tiếp như gọi điện thoại, gửi email, điều tra qua web, nhưng chất lượng thông tin không được đảm bảo như áp dụng hình thức điều tra trực tiếp.

(3) Xử lý và tổng hợp thông tin thống kê thu thập được: Hoạt động xử lý và tổng hợp thông tin thống kê thu thập từ các cuộc điều tra cũng không đảm bảo tiến độ thời gian do một số cuộc điều tra thu thập thông tin thống kê phải tạm hoãn. Chất lượng thông tin thu thập giảm sút do việc kiểm tra, kiểm soát nội dung phỏng vấn tại thực địa không được đảm bảo khi thay đổi hình thức thu thập thông tin từ phỏng vấn trực tiếp sang gián tiếp; việc kiểm tra, xác minh và cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, nhất là các cuộc điều tra nhanh, định kỳ hàng tháng.

(4) Phân tích và dự báo thống kê: Hoạt động phân tích và dự báo thống kê chịu ảnh hưởng do một số nguyên nhân sau: Nhu cầu của người dùng tin về thông tin thống kê liên quan đến thảm họa, dịch bệnh là rất lớn. Tuy vậy, cơ chế phối hợp với Bộ, ngành về cung cấp số liệu liên quan đến thảm họa chưa kịp thời và đầy đủ; hệ thống chỉ tiêu thống kê về thảm họa chưa được xây dựng để đảm bảo phân tích và dự báo các tác động thảm họa được toàn diện; phương pháp phân tích và dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu phân tích tình hình kinh tế - xã hội khi xuất hiện các cú sốc do năng lực phân tích, dự báo của người thực hiện còn hạn chế…

(5) Công bố và phổ biến thông tin thống kê: Mặc dù báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm; Niên giám Thống kê… được đảm bảo đúng thời gian công bố theo Lịch phổ biến thông tin thống kê hằng năm, tuy nhiên do tiến độ thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin thống kê của một số cuộc điều tra phải tạm hoãn trong bối cảnh thảm họa, dịch bệnh kéo dài nên việc công bố một số ấn phẩm thống kê không đảm bảo thời gian quy định. Bên cạnh đó, hình thức phổ biến thông tin thống kê như họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý, năm và các buổi họp báo khác của TCTK phải trì hoãn do thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ. Họp báo phải tiến hành trong hội trường lớn để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa những người tham gia họp báo và phóng viên báo chí, dẫn đến buổi họp báo bị phân tán và tương tác giữa người tham gia bị hạn chế.

II. Phản ứng của Cơ quan Thống kê quốc gia

Vai trò của Cơ quan Thống kê quốc gia

Tổng cục Thống kê luôn khẳng định vai trò quan trọng trong đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước thông qua việc cung cấp thông tin thống kê trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ lãnh đạo các cấp, các ngành đưa ra những chính sách dựa trên bằng chứng để quản lý, điều hành nền kinh tế. Đặc biệt là trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, TCTK luôn thể hiện rõ vai trò quan trọng qua những số liệu, phân tích, các kiến nghị trong điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Trong bối cảnh thảm họa, dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý, năm; kết quả điều tra, khảo sát tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp; các ấn phẩm phân tích chuyên sâu về tình hình kinh tế - xã hội; kịch bản tăng trưởng kinh tế được cập nhật liên tục trong từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh… đã trở thành nguồn thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ nắm bắt những thông tin về ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế, từ đó đặt ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời; đó cũng là cơ sở giúp người dùng tin nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống theo quy định của Chính phủ.

Tác động của thiên tai, dịch bệnh là tác động tổng hợp tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của một quốc gia. Vai trò của Cơ quan Thống kê quốc gia trong việc đánh giá những tác động đó rất quan trọng, nhằm đảm bảo sự gắn kết logic các dữ liệu về thảm họa, dịch bệnh với số liệu thống kê chính thức về kinh tế, xã hội, môi trường. Những năm gần đây, số liệu thống kê chính thức đã tập trung vào các vấn đề môi trường và khí hậu. TCTK đang nghiên cứu hướng dẫn của Thống kê Liên hợp quốc về biên soạn tài khoản tài nguyên môi trường theo Hệ thống hạch toán kinh tế môi trường (SEEA) để đo lường tài sản tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Trên cơ sở đó sẽ có những đánh giá chính xác, cụ thể hơn những thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên do thảm họa gây ra.

Những tác động trực tiếp của thảm họa thường mang tính tiêu cực, nhưng tác động về lâu dài có thể bao gồm những mặt tích cực, ví dụ sau thảm họa nền kinh tế được phục hồi, tăng trưởng nhanh hơn; những phương thức hoạt động mới của nền kinh tế xuất hiện… Cơ quan Thống kê quốc gia có vai trò khảo sát, điều tra, phân tích những yếu tố mới đó, cung cấp cấp thông tin cho lãnh đạo các cấp để hoạch định chính sách xây dựng năng lực kinh tế, năng lực ứng phó tốt hơn nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.

2. Phản ứng của Cơ quan Thống kê quốc gia

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, TCTK đã nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu, nâng cao hiệu quả chi phí của việc sản xuất số liệu thống kê và khai thác tối đa các nguồn dữ liệu hiện có; linh hoạt trong áp dụng hình thức điều tra thống kê, công bố và phổ biến thông tin thống kê. Cụ thể như sau:

(1) Thay đổi cách thức quản lý, điều hành, xây dựng hệ sinh thái điều hành, tác nghiệp: TCTK đã áp dụng hệ thống quản lý văn bản số và ứng dụng chứng thư số chuyên dùng; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý công việc; áp dụng hệ thống họp trực tuyến kết nối toàn Ngành từ Trung ương tới cấp huyện (trong đó có 69 điểm cầu cấp tỉnh, 154 điểm cầu cấp huyện). Xây dựng hệ sinh thái điều hành, tác nghiệp nhằm tích hợp phần mềm quản lý công việc của ngành Thống kê; phần mềm quản lý hội nghị, hội thảo và các phần mềm quản lý, điều hành khác, từ đó hỗ trợ tích cực và hiệu quả, duy trì các hoạt động Thống kê không bị gián đoạn trong bối cảnh thảm họa, dịch bệnh.

(2) Đối với hoạt động thu thập thông tin thống kê: TCTK đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện điều tra thống kê đối với tất cả các cuộc điều tra được tiến hành khi thảm họa xuất hiện; những lưu ý áp dụng biện pháp thu thập thông tin thống kê ở địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo điều tra theo đúng phương pháp luận và thông tin thu thập được phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, các cuộc điều tra được thực hiện linh hoạt dưới nhiều hình thức để điều tra viên tiếp cận đơn vị điều tra, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác thu thập thông tin, thay thế điều tra trực tiếp (phỏng vấn trực tiếp) sang điều tra gián tiếp (người được phỏng vấn tự điền vào phiếu điện tử hoặc phiếu giấy, mạng xã hội, email, gọi điện thoại); tận dụng nền tảng hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân trong hoạt động thu thập thông tin thống kê, báo cáo thống kê … Ứng dụng nền tảng web-form trong Tổng điều tra kinh tế để thu thập thông tin về doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; điều tra doanh nghiệp hàng năm; điều tra ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp. Hình thức điều tra này vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo việc thu thập số liệu phục vụ việc sản xuất thông tin thống kê. Ngoài ra, giám sát viên các cấp thực hiện giám sát điều tra trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng điều tra trong quá trình diễn ra trên địa bàn.

(3) Đối với hoạt động xử lý, tổng hợp thông tin thống kê: Dữ liệu điều tra được lưu trữ tập trung tại các máy chủ của TCTK. Các hoạt động xử lý, tổng hợp thông tin thống kê chủ yếu thông qua cơ sở dữ liệu tại các máy chủ. TCTK đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với máy chủ để thực hiện các hoạt động xử lý, tổng hợp thông tin thống kê từ xa. Trong đó, sử dụng giải pháp mạng riêng ảo VPN (Virtual Private Network) cho phép người dùng kết nối tới máy chủ của TCTK từ mạng ngoài (mạng Internet) để thao tác với dữ liệu như trong mạng nội bộ. VPN là hệ thống mạng có mã hóa đường truyền nên thông tin lưu chuyển trong mạng được bảo đảm an toàn. Đồng thời, người quản trị mạng có thể thiết lập các chính sách, điều khoản hoạt động và áp dụng các dịch vụ thống nhất trên toàn mạng VPN. Công chức, viên chức trong TCTK sử dụng mạng VPN phải tuân thủ các quy định dịch vụ của VPN để khai thác, tổng hợp dữ liệu điều tra trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống thảm họa, dịch bệnh.

(4) Đối với hoạt động phân tích và dự báo thống kê: Ứng dụng mô hình phân tích kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới; lựa chọn phương pháp phù hợp để phân tích tình hình kinh tế - xã hội với tác động của các cú sốc thảm họa; cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý để đánh giá tác động ảnh hưởng của thảm họa, dịch bệnh tới các hoạt động sản xuất kinh doanh; phân tích tính chống chịu và khả năng đàn hồi của nền kinh tế trước dịch Covid-19; tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến nhằm nâng cao kỹ năng phân tích và dự báo thống kê; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ xa của các tổ chức quốc tế đối với hoạt động phân tích, đánh giá tác động của thảm họa, dịch bệnh.

(5) Đối với hoạt động phổ biến thông tin thống kê: Tăng cường các kênh phổ biến thông tin thống kê, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, bình đẳng, khách quan và minh bạch, đáp ứng các yêu cầu thường xuyên, đột xuất của các đối trượng dùng tin trong thời gian thảm họa xuất hiện như: Phổ biến thông tin thống kê lên mạng xã hội (Facebook), tin nhắn điện thoại, gọi điện, các phương tiện truyền thông báo chí, trang web của ngành Thống kê... Đồng thời đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin thống kê như sử dụng infographic, videographic, các ấn phẩm xuất bản dưới dạng ấn phẩm điện tử... để người dùng tin có thể tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi.

(6) Đối với hoạt động hợp tác thống kê: Trong hợp tác với Bộ, ngành, tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính, thực hiện việc phối hợp, chia sẻ trao đổi, thu thập thông tin thống kê bằng hình thức trực tuyến. Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, TCTK đã triển khai các biện pháp để thích ứng với điều kiện mới, tích cực sử dụng công nghệ thông tin trong phối hợp, duy trì hợp tác với các tổ chức quốc tế để đảm bảo không đứt gãy quá trình hợp tác và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật. Cụ thể, các cuộc họp, học tập, hội thảo, hội nghị, diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến ở quy mô và cấp độ khác nhau, có tính đến yếu tố chênh lệch múi giờ. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian đi lại, tăng số lượng thành viên tham gia. Điển hình là trong năm 2020, Tổng cục Thống kê đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN về Thống kê, cũng là năm dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu. TCTK đã áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm họp trực tuyến khác nhau cũng như đảm bảo chất lượng đường truyền để kết nối với các tổ chức quốc tế và Cơ quan Thống kê quốc gia trong khu vực. Nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 10 Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN, họp trực tuyến với Cơ quan Thống kê các nước để xây dựng dự án hợp tác, chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ trực tiếp sang trực tuyến. Nhờ đó, TCTK đã phối hợp rất tốt với các tổ chức quốc tế trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, huy động được nhiều trợ giúp của các tổ chức quốc tế, đảm bảo hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai thông suốt, hiệu quả.

(7) Đào tạo nhân lực thống kê ứng dụng công nghệ thông tin và phòng ngừa thảm họa: Để khắc phục ảnh hưởng của thảm họa, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao nghiệp vụ cho công chức, viên chức, Tổng cục Thống kê thay đổi hình thức giảng dạy, tập huấn trực tiếp sang giảng dạy bằng hình thức trực tuyến kết nối 63 Cục Thống kê trên toàn quốc. Nhờ đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhân lực thống kê vẫn được đào tạo khi có nhu cầu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho công chức, viên chức không bị gián đoạn.

Thực hiện các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 lây lan, Tổng cục Thống kê khuyến khích công chức, viên chức làm việc tại nhà bằng các ứng dụng như Polycom, Microsoft Teams, Skype for Business, Google meeting hoặc Zoom cùng với các nền tảng lưu trữ; hỗ trợ công chức truy cập vào dữ liệu từ xa mà vẫn đảm bảo không có các rủi ro về tính bảo mật. Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, công chức, viên chức trong toàn ngành từ Trung ương đến cấp huyện đã được tiêm vắc-xin Covid-19 để đảm bảo việc cung cấp thông tin được thông suốt. Đến thời điểm này cả nước có khoảng 15 triệu người tiêm vắc-xin Covid-19 ít nhất 1 mũi, đạt 15%, riêng ngành Thống kê có 4.569 người, đạt 80%.

(8) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về môi trường, thảm họa: Để dự báo, phân tích, đánh giá tác động của thảm họa, dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội của một quốc gia, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu về lĩnh vực này là cấp thiết và quan trọng. Với phương pháp luận thống kê khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế, Tổng cục Thống kê xây dựng hệ thống chỉ tiêu về thảm họa và tích hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG), đồng thời đảm bảo thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (2015-2030). Đây là cơ sở để Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ, ngành liên quan để thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro thảm họa, thiệt hại về người và tài sản, về kinh tế; phổ biến các thông tin liên quan đến thảm họa trên các phương tiện truyền thông theo định kỳ.

Thiết lập hệ thống thông tin địa lý để tích hợp các dữ liệu về thảm họa, làm cơ sở phân tích và dự báo kịp thời, chính xác các tác động của thảm họa.

III. Khuyến nghị của Tổng cục Thống kê đối với các tổ chức quốc tế

1. Định hướng chiến lược hoạt động của Tổng cục Thống kê trong bối cảnh dịch bệnh, thảm họa xuất hiện

- Theo khảo sát của Phòng Thống kê Liên hợp quốc (UNSD 2016), phần lớn các Cơ quan Thống kê quốc gia trên thế giới không thực hiện việc điều tra, khảo sát, thu thập các thông tin về thảm họa, dịch bệnh; chỉ có 1/3 các Cơ quan Thống kê quốc gia trên thế giới chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Do đó có thể thấy vai trò của Cơ quan Thống kê quốc gia chưa rõ ràng và khung chính sách toàn cầu về quản lý rủi ro chưa nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ quan Thống kê quốc gia trong sản xuất số liệu thống kê về thảm họa, dịch bệnh. Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê nhận báo cáo về thảm họa, dịch bệnh từ Tổng cục Phòng chống thiên tai và Bộ Y tế. Để phát huy vai trò là Cơ quan công bố thông tin về mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội quốc gia, đặc biệt là về thảm họa, Tổng cục Thống kê định hướng chiến lược xây dựng khung hợp tác, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả với các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực này để thu thập, phân tích, công bố và phổ biến thông tin đầy đủ hơn. Từ đó, vai trò của Tổng cục Thống kê được nâng cao trong việc sản xuất, phổ biến số liệu thống kê chính thức liên quan đến thảm họa rủi ro, dịch bệnh đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.

- Nhu cầu thông tin về các sự kiện thảm họa của người dùng tin trong nước và quốc tế ngày càng tăng, Tổng cục Thống kê xây dựng khung đánh giá nhu cầu thông tin nói chung, nhu cầu thông tin liên quan đến rủi ro thảm họa dịch bệnh nói riêng; đồng thời cải thiện số liệu thống kê hiện có, phát triển và mở rộng thêm nhiều số liệu thống kê mới; cải tiến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thống kê để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dùng tin.

2. Khuyến nghị của Tổng cục Thống kê đối với các tổ chức quốc tế

Khi thảm họa kéo dài thì các quốc gia trên thế giới cần có sự chuẩn bị về mọi mặt để thích nghi với điều kiện bình thường mới. Thảm họa kết thúc sẽ đặt ra nhiều thử thách cho các quốc gia trong việc phục hồi kinh tế nhanh và bền vững,  tạo dựng nền tảng vững chắc để có thể ứng phó tốt hơn với thảm họa có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động thống kê của các Cơ quan Thống kê quốc gia. Sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh các Cơ quan Thống kê quốc gia phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với số liệu thống kê trong khi nguồn lực liên tục bị cắt giảm, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 xuất hiện.

TCTK có bốn đề xuất đối với các tổ chức quốc tế như sau:

(1) Xây dựng và áp dụng các phương pháp thống kê mới: Do ảnh hưởng của thảm họa dẫn đến nhiều hình thái kinh tế thay đổi, xuất hiện nhiều hoạt động kinh tế mới mà trước đó chưa có, do vậy việc xây dựng phương pháp luận thống kê mới để đo lường những hoạt động đó là cần thiết và quan trọng đối với nền kinh tế sau thảm họa. Tổ chức quốc tế cần hỗ trợ hướng dẫn các Cơ quan Thống kê quốc gia xây dựng Khung khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính các chỉ tiêu mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, logistic; phương pháp luận đo lường tác động của thảm họa. Phương pháp luận đó cần được tích hợp vào hệ thống tài khoản quốc gia để đo lường các nhân tố mới xuất hiện trong nền kinh tế cũng như tác động của thảm họa tới kinh tế, xã hội, môi trường.

Bên cạnh đó, để thu thập, phân tích và tổng hợp thiệt hại kinh tế, môi trường do thảm họa gây ra, các tổ chức quốc tế cần cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về sử dụng công cụ, mô hình phân tích phù hợp, ví dụ như công cụ phân tích hậu quả kinh tế (economic consequence analysis tools - ECAT), hệ thống hạch toán kinh tế-môi trường (SEEA), ma trận hạch toán xã hội (SAM). Những công cụ này phát huy vai trò tích cực trong việc đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp những thiệt hại do thảm họa gây ra.

(2) Hỗ trợ đào tạo, xây dựng năng lực về công tác thống kê: Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến công tác thu thập số liệu thống kê trực tiếp. Việc chuyển sang sử dụng hình thức thu thập số liệu thống kê thay thế như điều tra qua điện thoại, sử dụng dữ liệu hành chính hay điều tra trực tuyến được khuyến khích thực hiện. TCTK kiến nghị các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để giúp Cơ quan Thống kê quốc gia nâng cao năng lực dự báo, phân tích đánh giá tác động của thảm họa, dịch bệnh, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê kịp thời, chính xác phục vụ quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng của chính quyền các cấp.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế đẩy mạnh hỗ trợ các Cơ quan Thống kê quốc gia ứng dụng dữ liệu không gian địa lý, nghiên cứu áp dụng triển khai big data và các nguồn dữ liệu mới trong sản xuất thông tin thống kê.

(3) Thiết lập một cơ chế hợp tác bền vững giữa các quốc gia, các chuyên gia thống kê, tổ chức quốc tế để phân tích, dự báo, ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của thảm họa. Kết nối toàn cầu được xem là công cụ quan trọng nhất để ứng phó kịp thời với thảm họa và sự bùng phát của dịch Covid-19. Do đó, hợp tác đa phương và bền vững sẽ giúp các Cơ quan Thống kê quốc gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng phối hợp trong ứng phó với thảm họa.

(4) Đầu tư phát triển năng lực ứng phó với thảm họa: Các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực ứng phó cho các quốc gia trong khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thảm họa, nhất là các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tăng cường năng lực ứng phó tốt để đảm bảo nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng có thể phục hồi nhanh chóng sau khi thảm họa kết thúc. Bên cạnh đó, tổ chức quốc tế cần hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo thảm họa sớm, năng lực ứng phó khẩn cấp cũng như chiến lược tài chính quản lý rủi ro thảm họa một cách toàn diện cho các quốc gia cần hỗ trợ./.
 

TS. Nguyễn Thị Hương

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư)

 

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top