Đảo Trường Sa - đảo xa nhất phía Nam của Quần đảo Trường Sa được giải phóng ngày 29/4/1975. Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân dân đảo Trường Sa luôn phát huy truyền thống, thành tích của đơn vị anh hùng, trên dưới đồng thuận, đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng huyện đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”.
Giờ đây, trên màu trắng của nền san hô nổi, những mái lều bạt dã chiến của người lính Hải quân về đảo Trường Sa năm xưa mà nhà thơ Trần Đăng Khoa khắc họa trong tác phẩm “Đảo chìm”, nay đã được thay thế bằng một màu xanh mướt của những tán cây bàng vuông, phong ba, dừa, nhàu, đu đủ… xen lẫn những công trình mái ngói đỏ tươi.
Với bất cứ ai đến với đảo Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Tất cả các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, các đơn vị, chùa, trường học, hộ dân… đều được bê tông hoá 100%, sạch sẽ và ẩn mình dưới những tán cây xanh mát.
Cách xa đất liền, cuộc sống ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, song những những người lính Hải quân và người dân ở Trường Sa luôn biết vượt qua thử thách để sẵn sàng huấn luyện chiến đấu và “làm giàu” cho cuộc sống nơi đảo xa. Những cải tiến, “sáng chế” ra nhiều sản phẩm có ích mà ở ngoài đảo không dễ gì thực hiện thành công, thế nhưng ở đất liền có gì, bây giờ ở đảo Trường Sa có thứ ấy. Đó là những vườn rau xanh mướt với đủ các chủng loại, những chậu cây cảnh được cắt tỉa rất công phu, những “tuyệt chiêu” về nuôi gà, vịt, lợn… sao cho thích hợp với thời tiết, đều được những người lính đảo thực hiện sau những giờ huấn luyện trên thao trường.
Tuy nhiên, để có được những công trình ấy, ít ai biết rằng, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt ở Trường Sa, những người lính Hải quân đã đổ biết bao mồ hôi, thậm chí cả xương máu mới có thể xây dựng nên những công trình khang trang giữa lòng biển khơi để giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng.
Đại tá Đào Văn Bạn, Lữ trưởng Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân cho biết: Không thể kể hết những khó khăn trong những ngày đầu tiên đảo Trường Sa mới giải phóng. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, hàng trăm cán bộ chiến sĩ gồng mình vác đá xây dựng với tinh thần “kê cao Tổ quốc” giữa mênh mông sóng nước biển khơi. Và cũng không thể nói hết những khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa ngày ấy khi phải chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng ngọn rau xanh được tàu vận tải mang từ đất liền ra đảo; ban ngày huấn luyện sẵn sàng chiến đấu dưới cái nắng như thiêu như đốt, tối dầm mình trong nước mặn vác đá xây dựng đảo. Cả đảo không có màu xanh, chân người chiến sĩ phồng rộp vì cát mặn và san hô.
Đó là Trường Sa của những ngày đầu mới giải phóng. Còn bây giờ, giữa mênh mông sóng nước, Trường Sa hiện ra như một bức tranh thật sống động. Ban đêm, hàng ngàn ánh sáng lung linh từ điện năng lượng gió và mặt trời khiến đảo Trường Sa giống như thành phố nổi, không ngủ giữa biển khơi.
Cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa duyệt đội ngũ trong lễ mít tinh kỷ niệm 45 năm Giải phóng Trường Sa
Với Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Huy Trường, nhân viên cơ yếu đảo Trường Sa, được công tác, cống hiến sức trẻ tại đảo Trường Sa – nơi tuyến đầu của Tổ quốc là niềm vinh dự và tự hào. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Nguyễn Huy Trường cũng như mỗi chiến sỹ Hải quân hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn vai trò trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ, chức trách được giao, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống; rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao; tích cực học tập nâng cao trình độ kiến thức, năng lực chuyên môn, phương pháp tác phong công tác khoa học đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ được giao; đặc biệt xây dựng tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, 45 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Theo Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người dân đảo Trường Sa: So với trước đây, cuộc sống trên đảo giờ đã thay đổi nhiều, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, điều kiện sinh hoạt ngày càng tốt hơn, các con được tới trường, học hành chu đáo. Chị Dung tâm sự, chồng chị là dân quân tự vệ trên đảo, chị ở nhà nội trợ, anh chị có 2 con còn nhỏ. Xa đất liền, ngoài biển đảo còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ trên đảo nên gia đình chị cũng như bà con trên đảo rất phấn khởi và vô cùng biết ơn sự quan tâm sâu sắc đó. Chính điều này làm cho người dân trên đảo thấy ấm lòng hơn, yêu mến gắn bó với biển, đảo hơn. Chị Dung luôn tự hào mình là công dân Trường Sa.Không chỉ những người lính Hải quân có nhiều hoạt động thiết thực, lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng đảo Trường Sa, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà những người dân trên đảo cũng luôn một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng, gắn kết tình cảm quân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc.
Đảo Trường Sa
Những ngày tháng tư lịch sử, cùng quân dân cả nước, quân dân đảo Trường Sa cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm 45 giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và 45 năm giải phóng Quần đảo Trường Sa. Đây là dịp để mỗi cán bộ chiến sĩ, các lực trên đảo và nhân dân ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, quân đội và Quân chủng Hải quân, từ đó mỗi người thấy được niềm vinh dự, tự hào và trách niệm của bản thân trong học tập, công tác tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội, Quân chủng, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 - Đoàn Trường Sa anh hùng.
Hiện nay tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước tình hình đó, quân, dân, các lực lượng trên Quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Trường Sa nói riêng không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, nhất là các mục tiêu trên không, trên biển, nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo đúng tình hình. Kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên các chủ trương, biện pháp, xử lý linh hoạt đúng đối sách các tình huống phức tạp trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng giúp đỡ ngư dân, thực hiện tốt chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển./.