Một số ấn phẩm trong tủ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do những giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học thực hiện.
1. Như một sự tiếp nối từ cuốn sách Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ) ra mắt lần đầu vào năm 2017, nhà thơ Lê Minh Quốc vừa ra mắt bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” gồm 3 cuốn: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Dích dắt dặt dìu dư dí dỏm và Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo (NXB Tổng hợp TPHCM). Trong những câu chuyện về ngôn ngữ, tác giả lồng vào đó những vấn đề về văn hóa, lịch sử, thời sự; nhờ đó, giúp độc giả cảm nhận được sự sống động, thiết thực cũng như thấy được hồn cốt của ngôn ngữ.
Trong số những tác giả viết sách về tiếng Việt, có lẽ Nguyễn Thùy Dung là trường hợp đặc biệt. Thuộc thế hệ 9X nhưng Nguyễn Thùy Dung có sự quan tâm nhất định đến tiếng Việt. Cô cũng có cách làm sáng tạo và phù hợp với xu thế khi thành lập fanpage “Ngày ngày viết chữ”, chuyên luận bàn về tiếng Việt, được đông đảo bạn trẻ theo dõi.
Sau 2 cuốn sách gây được ấn tượng là Từ vay hay dùng và Chữ xưa còn một chút này, tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung vừa ra mắt Hôm nay phải mở mang (Wave Books và NXB Thế Giới), như một cẩm nang hữu ích cho những người đang muốn theo đuổi nghề viết.
Ngoài những đầu sách trên, độc giả quan tâm đến ngôn ngữ, quan tâm đến sự vận động của tiếng Việt có thể tìm đọc ở những cuốn sách từng ra mắt trước đây như: Ai làm đau tiếng Việt (NXB Tổng hợp TPHCM) của TS Hồ Xuân Mai và đặc biệt, không thể không kể đến học giả An Chi với bộ sách hiện đã phát hành 4 tập Rong chơi miền chữ nghĩa và Từ nguyên (NXB Tổng hợp TPHCM).
2. Tiếng Việt phương Nam là ấn phẩm tiếp theo trong tủ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” được NXB Trẻ thực hiện từ đầu những năm 2000. Tham gia vào tủ sách này là những giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học từ Bắc vào Nam, như cố GS Hoàng Tuệ, GS Nguyễn Đức Dân, GS Trịnh Sâm, nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân… Nhiều ấn phẩm trong tủ sách này đã được bạn đọc đón nhận tích cực như Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân, 7 lần in); Nỗi oan thì, mà, là (Nguyễn Đức Dân, 3 lần in); Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ, 2 lần in); Ăn uống nói cười và khóc (Trần Huiền Ân, 2 lần in)…
Nói về lý do duy trì tủ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”, chị Phan Thị Tường Vân, biên tập viên của NXB Trẻ, cho biết: “Để diễn đạt một nội dung phức tạp cho dễ hiểu là cả một kỳ công và đòi hỏi một trình độ vượt bậc về kỹ năng phân tích, diễn đạt. Vì ngôn ngữ là công cụ quan trọng trong mọi mặt đời sống và tất cả lĩnh vực, ngành nghề nên việc bồi dưỡng thêm kiến thức về ngôn ngữ là một nhu cầu dài lâu và không bao giờ lỗi thời”.
Công việc gắn liền với ngôn ngữ, chị Thanh Tâm (đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp) trở thành độc giả của tủ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” từ nhiều năm nay. Điều khiến chị thích thú ở tủ sách này là đề tài xoay quanh mọi mặt của ngôn ngữ, còn nội dung mang tính ứng dụng cao, kiến thức hàn lâm và chuẩn xác.
Trong khi đó, bạn Thúc An (ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) lại tỏ ra hào hứng với Chữ xưa còn một chút này của tác giả Nguyễn Thùy Dung: “Cuốn sách này được làm xinh xắn, phù hợp với giới trẻ. Đặc biệt, rất nhiều từ ngữ xưa được tác giả đưa ra và lý giải dựa trên những nguồn tư liệu tin cậy. Nhờ đó, giúp tôi hiểu đúng về ngữ nghĩa và tránh dùng sai như trước đây”.
Dành hơn 10 năm để cho ra đời bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: “Bộ sách của tôi như thêm một minh chứng về sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt, không chỉ về ngữ nghĩa của từ mà còn lồng vào đó những câu chuyện lịch sử, nghề nghiệp… có liên quan. Tất cả không ngoài mục đích khẳng định người Việt mình trong sinh hoạt từ ăn, ăn học, ăn chơi, ăn nói, ăn ở, cười chơi đều có nghệ thuật thể hiện bằng rất nhiều sắc thái, cung bậc và sắc màu khác nhau một cách uyển chuyển, lắt léo, cắc cớ, không có gì là không diễn tả được”.