Lừa đảo, mã độc vẫn là những hình thức tấn công phổ biến
Các chuyên gia bảo mật của Australia và Việt Nam vừa thảo luận về những hướng tiếp cận bảo mật thông tin nền tảng quan trọng để đối phó với bối cảnh phức tạp luôn đe dọa sự an toàn của không gian mạng tại diễn đàn trực tuyến “Bảo đảm an ninh mạng - Quản lý các yếu tố bất tín”.
Giáo sư Robert McClelland, Phó Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho biết, việc vượt qua thách thức bảo toàn an ninh thông tin đòi hỏi không chỉ các giải pháp kỹ thuật mà còn hơn thế nữa.
“Các biện pháp kỹ thuật đã và đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong việc ngăn chặn rủi ro an ninh mạng đến từ vi phạm an toàn thông tin. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn sự cố an ninh mạng của các tổ chức đều do nhân viên trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm hoặc bỏ qua những chính sách bảo mật thông tin của tổ chức. Do đó, việc tuân thủ quy định của nhân viên đóng vai trò quan trọng đối với an toàn thông tin của tổ chức”, Giáo sư Robert McClelland.
Giáo sư Robert McClelland chia sẻ thêm: "Dẫu yếu tố con người được xem là mắt xích yếu nhất trong việc tạo ra môi trường kỹ thuật số an toàn và bảo mật, trực giác của con người cũng có thể là giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa nhiều mối đe dọa an ninh mạng”.
Các đại biểu tham dự diễn đàn được lắng nghe chia sẻ giá trị từ Giáo sư Matthew Warren, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới an ninh mạng Đại học RMIT (CCSRI). Giáo sư trình bày quan điểm về mối liên kết giữa nguồn lực con người và tính phức tạp của việc duy trì an ninh mạng. Ông cho biết, trong năm tài chính 2020 - 20221, Trung tâm An ninh mạng Australia đã xác định 67.500 tin báo tội phạm mạng, và thiệt hại từ tội phạm mạng do người dùng báo cáo trong khoảng thời gian này là hơn 540.773 tỉ đồng.
“Các hình thức tấn công mạng từ con người phổ biến là lừa đảo, mã độc, tấn công mạo danh, tấn công bằng cách mạo danh người đáng tin cậy, tấn công lừa đảo nhắm vào những người có vị trí cao, mã độc tống tiền, tất cả đều nhắm vào thu thập thông tin chi tiết và mật khẩu của người dùng hay cài cắm mã độc, mã độc tống tiền”, Giáo sư Matthew Warren cho hay.
Thiết lập “Tường lửa an ninh mạng con người”
Trong trao đổi tại diễn đàn trực tuyến “Bảo đảm an ninh mạng - Quản lý các yếu tố bất tín”, vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới an ninh mạng Đại học RMIT đã đưa ra một khái niệm mới – “Tường lửa an ninh mạng con người”, theo đó xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng trong bảo vệ tổ chức khỏi các mối đe doạ an ninh mạng.
Theo phân tích của chuyên gia RMIT, thông thường, công nghệ sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ tổ chức khỏi các mối nguy an ninh mạng. Tuy nhiên, khái niệm “Tường lửa an ninh mạng con người” lại là tập hợp kiến thức, năng lực và kỹ năng từ nguồn lực con người trên toàn tổ chức, từ việc đào tạo và bền bỉ để đối phó với các mối nguy này. “Tường lửa an ninh mạng con người phải được đào tạo, cập nhật và làm mới nhằm đảm bảo bảo vệ tốt nhất cho tổ chức”, Giáo sư Matthew Warren nói.
Giáo sư Matthew Warren đặc biệt nhấn mạnh vào bộ phận nhân sự, coi đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tường lửa con người đi vào vận hành thành công. Công tác này bao gồm làm việc với các nhóm nhân viên khác nhau, giải quyết những vấn đề kỷ luật liên quan đến an ninh mạng, rút quyền truy cập và mật khẩu khi nhân viên nghỉ việc, giữ tài sản con người cho tổ chức và tuyển dụng chuyên gia an ninh mạng mới.
Trong phiên thảo luận nhóm do Chủ nhiệm CCSRI tại Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp điều phối, các đại biểu đã được tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh khác nhau trong quản lý các yếu tố bất tín, trong đó có áp dụng phương thức quản lý các yếu tố bất tín cho người dùng và chuyên viên CNTT.
Nhiều câu hỏi đã được các chuyên gia: Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Viện trưởng Viện Công nghệ an toàn thông tin; ông Khổng Huy Hùng (Phó Chủ tịch VNISA, Hiếu PC và Giáo sư Matthew Warren trao đổi tại phiên thảo luận, như: Liệu Việt Nam có nên đầu tư để trở thành nhà cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin đầy cạnh tranh tầm thế giới không? Những thách thức trong việc nâng cao năng lực an ninh mạng quốc gia? Tác động của mức độ năng lực bảo toàn an ninh thông tin lên kinh tế số của đất nước? Các nguồn lực hiện có nhằm hỗ trợ nâng cao ý thức tự bảo vệ an toàn thông tin trên mạng cho cá nhân?...
Trong khuôn khổ sự kiện, RMIT Việt Nam và Viện Công nghệ An toàn thông tin thuộc VNISA đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hướng đến thiết lập quan hệ hợp tác và cam kết vững mạnh giữa 2 đơn vị nhằm thúc đẩy và xây dựng ý thức an ninh mạng, chính sách và công nghệ tốt hơn cho cả khối công và tư.