Nhận định trên được Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT Tô Hồng Nam đưa ra trong tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” vừa được tạp chí An toàn thông tin tổ chức.
Đề cập đến những rủi ro tiềm ẩn mà trẻ em đang phải đối mặt khi tham gia môi trường mạng, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đại diện Cục CNTT của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên dễ bị lừa, bị lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu, và thông qua trẻ em có thể đánh cắp được dữ liệu của gia đình.
Chẳng hạn như, với các lớp học trực tuyến, các em có thể bị lừa vào các trang học trực tuyến giả mạo, các link về các khóa học, các ứng dụng học tập miễn phí, giảm giá từ đó cài mã độc vào trong các máy tính, hệ thống để đánh cắp dữ liệu. Mặt khác, nếu giáo viên không biết ứng dụng các chức năng quản lý tốt, không gian lớp học có thể bị chiếm quyền lợi dụng để đưa tin xấu độc, kích động học sinh, gửi ảnh đe dọa, bắt nạt.
Bên cạnh rủi ro trên, môi trường mạng cũng mang đến cho trẻ em các nguy cơ như: Bị đe dọa, bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, uy hiếp bắt ép thực hiện những hành động phi pháp; bị ảnh hưởng bởi các tin không đúng sự thật, phim ảnh, trò chơi bạo lực khiêu dâm dẫn đến nhận thức lệch lạc, bắt chước làm theo, tâm lý hung hăng.
Ngoài ra, tham gia môi trường mạng, trẻ em còn phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến các bệnh lý về tâm thần và thể chất; việc học trực tuyến kéo dài về giờ học, ngày này qua tháng khác có thể dẫn đến bệnh mắt, cột sống, tâm lý.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra chỉ đạo, điều phối triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, phổ biến kiến thức kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin đến toàn xã hội, đặc biệt là cha mẹ và trẻ em. Cơ quan An toàn thông tin chủ trì, các cấp các ngành triển khai sâu trong phạm vi quản lý của mình, ngành giáo dục sẽ đưa vào nhà trường trong các chương trình chính khóa và ngoại khóa.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, trong đó phải đẩy mạnh quy rõ các trách nhiệm, bổ sung chế tài, thu hút nguồn lực khi triển khai tất cả các hoạt động trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật lọc bỏ các thông tin xấu độc, định hướng đến kho dữ liệu sạch, phát triển công nghệ hỗ trợ, tạo kênh giao tiếp như kênh 111 mở rộng để tiếp cận thông tin. “Môi trường mạng là không có biên giới vì vậy hợp tác quốc tế vô cùng quan trọng. Chúng ta vừa có thể học tập kinh nghiệm, vừa có thể huy động các nguồn lực nước ngoài để có thể huy động thêm về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, đại diện Cục CNTT, Bộ GD&ĐT lưu ý.
Tạo sức mạnh cộng hưởng để bảo vệ trẻ em trên mạng
Chia sẻ rõ hơn về công tác phối hợp trong triển khai các hoạt động về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Tô Hồng Nam phân tích: Trước hết là phối hợp chặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước gồm: Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT với Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH với Bộ GD&ĐT, trọng tâm là giáo viên, học sinh và sinh viên để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" (Chương trình 830) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021.
Song song đó, là sự phối hợp với các đoàn thể, hiệp hội, đoàn - đội - hội. Cụ thể là sự vào cuộc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các hiệp hội xã hội cùng tạo thêm sức mạnh với các cơ quan nhà nước triển khai rộng khắp để phối hợp hiệu quả hơn. Phối hợp với doanh nghiệp để vừa huy động được nguồn lực vừa phát triển các sản phẩm công nghệ. Đây là các đơn vị sẽ sản xuất ra các phần mềm, thiết bị giúp chúng ta có thể bảo vệ và quản lý trẻ em trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, còn là sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình để quản lý trẻ em vì đây là nơi mà phần lớn thời gian các em ở đó, ngoài thời gian đến trường. “Bốn sự phối hợp này cần phải thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng tránh bị trùng lặp và lãng phí về nguồn lực. Như vậy sẽ chắc chắn việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của chúng ta sẽ thành công”, ông Tô Hồng Nam cho hay.
Nói về các hoạt động của ngành giáo dục trong việc triển khai nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên mạng, đại diện Cục CNTT, Bộ GD&ĐT khẳng định đây là việc được ngành đặc biệt quan tâm và có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua.
Cụ thể, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đưa Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong đó có cấu phần về an toàn thông tin, mục tiêu là để ngay từ sớm đã cung cấp cho học sinh những nhận thức, kiến thức, kỹ năng để bảo vệ chính mình trên môi trường mạng. Các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể đều được tích hợp các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng, trong đó có cả phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Intel...
Bộ GD&ĐT cũng đã phê duyệt và triển khai Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến 2025”; ban hành Thông tư 06 ngày 12/4/2019 quy định quy tắc ứng dụng trong cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung về ứng xử trên mạng.
Với Chương trình 830, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch 2972, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, kèm theo phân công trách nhiệm đến từng đơn vị thuộc Bộ, các địa phương cùng chung tay tạo sức mạnh cộng hưởng.